Bắt con vật quen thuộc trong vườn nhà làm thịt, ăn xong cả nhà 5 người nhập viện gấp

Admin

Sau khoảng 15 phút ăn tối, cả 5 người ở Kon Tum lần lượt có dấu hiệu ngộ độc với triệu chứng đau bụng, nôn, mệt, khó thở.

Nhiều trường hợp nghi ngộ độc thịt cóc tại Kon Tum

Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận và điều trị ngoại trú 5 ca bệnh (trú thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) chẩn đoán nghi ngộ độc thịt cóc có kèm trứng cóc.

Bắt con vật quen thuộc trong vườn nhà làm thịt, ăn xong cả nhà 5 người nhập viện gấp- Ảnh 1.

Phát hiện nhiều trường hợp nghi ngộ độc thịt cóc tại Kon Tum. Ảnh minh họa.

Thông tin trên Pháp luật Việt Nam, theo lời của gia đình bệnh nhân, ngày 21/10, A.N (SN 2005) đi bắt cóc, bắt cá về đưa vợ là Y.R (SN 2006) làm thịt cóc có trứng trong bụng để xào nấu với rau rừng ăn tối. Bữa ăn hôm đó có thêm con trai là A.N là A.P và A.V (hàng xóm). 

Sau khoảng 15 phút, cả 5 người lần lượt có dấu hiệu ngộ độc với triệu chứng đau bụng, nôn, mệt, khó thở.

Gia đình đưa 5 bệnh nhân vào Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cấp cứu và sau đó chuyển tuyến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trước đây A.N và Y.R từng làm thịt cóc, lấy phần thịt để ăn. Vì không rõ ăn trứng cóc gây ngộ độc nên lần này hai vợ chồng ăn cả trứng cóc.

Trước đó, đơn vị chức năng cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do ăn thịt cóc, trứng cóc tại nhà. Cụ thể, ngày 1/10, anh A.H (SN 2007, trú thôn Tê Pan, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) uống rượu và ăn thịt ếch, thịt cóc, trứng cóc tại nhà. 

Bà Y.S (mẹ anh H) thấy có trứng cóc nên lấy đổ đi nhưng A.H vẫn giật lại để ăn. Sau khi ăn xong, A.H xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, trạng thái tinh thần không ổn định. Gia đình nhanh chóng đưa A.H đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô.

Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngộ độc thịt cóc với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, vật vã, la hét. 

Bệnh nhân được chuyển tuyến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum và tử vong vào ngày 3/10. Nguyên nhân tử vong ban đầu được chẩn đoán suy đa tạng, rối loạn nhịp tim, suy tim, ngộ độc nọc cóc.

Thời gian qua nhiều trường hợp ngộ độc thịt cóc, theo đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum đang xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt tại các thôn, làng có nguy cơ cao. 

Đồng thời, đề nghị trung tâm các huyện tăng cường tần suất truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc trong mùa mưa.

Ngộ độc do ăn thịt cóc và khuyến cáo "vàng" từ chuyên gia

Trong dân gian vẫn cho rằng thịt cóc rất giàu dinh dưỡng và ăn thịt cóc tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. 

Do đó, những năm vừa qua một số người dùng thịt cóc để làm thực phẩm bổ dưỡng cho người cao tuổi; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương… 

Thông thường thịt cóc được chế biến dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Mặc dù có những lợi ích về sức khỏe nhưng thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. 

Một trong những nguy cơ đó là ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc, theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế,

Thực tế các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc. 

Những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc khi ăn vào gây ngộ độc cấp tính, tỉ lệ tử vong rất cao. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...

Lâm Đồng: Cha tử vong, con nhập viện nghi do ăn thịt cócLâm Đồng: Cha tử vong, con nhập viện nghi do ăn thịt cócĐỌC NGAY

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống BSCKII Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, người dân nên thực hiện các khuyến cáo sau:

An toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.

Tuyệt đối không được vớt trứng cóc hoặc các sản phẩm nội tạng động vật (không rõ loại) ở các ao, hồ, sông ngòi,… về sử dụng làm thực phẩm.

Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm. 

Đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các loài động vật, thực vật có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,... để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc.

Trúc Chi (t/h)