Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết hôm 14/8 rằng ông sẽ từ chức vào cuối tuần này sau khi 2 đảng khác trong liên minh cầm quyền 3 bên của ông từ chối cải tổ Nội các.
Ông Karins, 58 tuổi, thuộc Đảng New Unity trung hữu, đã lên kế hoạch tiếp tục tại nhiệm sau khi công bố một vòng đàm phán liên minh mới, nhưng hai đối tác trong liên minh hiện tại cho biết làm như vậy là vi phạm Hiến pháp Latvia, Baltic News Service cho biết.
Sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 năm ngoái, 3 đảng đã ký một thỏa thuận vào tháng 12/2022 để thành lập một chính phủ liên minh. Cùng nhau, họ có 54 ghế trong quốc hội 100 ghế của Latvia, gọi là Saeima.
Ông Karins cho biết trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng hai đảng trong liên minh – Đảng National Alliance bảo thủ và Đảng trung dung United List – đang “ngăn cản công việc vì phúc lợi và tăng trưởng kinh tế”.
Trước đó, hôm 11/8, ông Karins tuyên bố ý định chấm dứt liên minh hiện tại và thành lập một liên minh chính phủ mới sau khi National Alliance và United List bác bỏ đề xuất của ông về cải tổ cấp Bộ trưởng và sửa đổi các ưu tiên.
Đài truyền hình Latvia cho biết ông Karins, sinh ra ở Wilmington (Delaware, Mỹ), đã yêu cầu Đảng New Unity của ông đề xuất một ứng cử viên mới cho chức Thủ tướng, và ông sẽ không phải là người lãnh đạo chính phủ tiếp theo.
Đảng New Unity đã lên kế hoạch chọn ứng cử viên cho chức Thủ tướng vào ngày 23/8 tới.
Ông Karins – giữ chức Thủ tướng Latvia kể từ năm 2019 – sẽ đệ đơn từ chức của bản thân và toàn bộ Nội các hiện tại lên Tổng thống Edgars Rinkevics vào ngày 17/8. Cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo ở Latvia dự kiến được tổ chức vào năm 2026.
Latvia và các nước láng giềng vùng Baltic, là Estonia và Litva, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc vào khí đốt Nga trước khi Moscow đem quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022.
Ba quốc gia này đã cắt nguồn cung khí đốt từ Nga ngay sau khi xung đột bùng phát, và Latvia hiện chủ yếu dựa vào trữ lượng khí đốt của chính họ và nhập khẩu từ Litva.
Latvia hiện là một trong những nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU), mặc dù tỉ lệ này đã giảm bớt trong 6 tháng qua nhưng vẫn ở mức 6,4% trong tháng 7.
Quốc gia vùng Baltic này có chung đường biên giới với cả Nga và Belarus.
Minh Đức (Theo Le Monde, DW)