BCG Energy trước thềm IPO: Tài sản gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận nửa đầu năm 2023 'vỏn vẹn' 8 tỷ đồng

Admin

Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của BCG Energy đạt 7.035 tỷ đồng.

BCG Energy - công ty năng lượng tái tạo thuộc tập đoàn Bamboo Capital vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính bán niên năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 8,5 tỷ đồng, giảm 97,4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 5,19% về 0,12%.

Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của BCG Energy đạt 7.035 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,8 lần, tương đương số nợ phải trả là 12.664 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 2.462 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của BCG Energy là gần 19.700 tỷ đồng.

Theo thông tin trên HNX, BCG Energy hiện có hai lô trái phiếu đang lưu hành với mã EBCCH2124002, EBCCH2124003. Cả hai lô này đều có mệnh giá phát hành là 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 3 năm (36 tháng), lãi suất phát hành là 10%/năm, kỳ trả lãi là 6 tháng/lần.

Chi tiết thông tin, lô EBCCH2124002 được phát hành vào ngày 26/4/2021 và đáo hạn vào ngày 26/4/2024, tổng giá trị theo mệnh giá phát hành là 1.000 tỷ đồng. Còn lô EBCCH2124003 được phát hành vào ngày 24/5/2021 và đáo hạn vào ngày 24/5/2024, tổng giá trị theo mệnh giá phát hành là 1.500 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, BCG Energy đã chậm thanh toán tiền lãi của cả hai lô trái phiếu này. Lô thứ nhất đến hạn thanh toán hơn 70 tỷ đồng tiền lãi vào 26/4 tuy nhiên phải đến 12/5 công ty mới trả được. Lô thứ hai đến hạn thanh toán hơn 106 tỷ đồng tiền lãi vào 24/5 nhưng đến 30/6 công ty mới trả được.

BCG Energy được thành lập năm 2017, là công ty thành viên trực thuộc của Tập đoàn Bamboo Capital, phụ trách phát triển mảng năng lượng tái tạo. Theo báo cáo thường niên 2022 của BCG, BCG Energy  hiện đang sở hữu khoảng 600 MW năng lượng mặt trời đã phát điện, 229 MW đang triển khai và 670 MW nằm trong kế hoạch triển khai.

Bên cạnh đó, BCG Energy sẽ nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện với mục tiêu đạt được ít nhất 2.000 MW tổng sản lượng phát điện trong danh mục đến năm 2025.

Trong đó, các nhà máy BCG Long An 1 (40,6 MW), BCG Long An 2 (100,5 MW), Phù Mỹ 1 (330 MW) và BCG Vĩnh Long (49,3 MW)... được xây dựng trong giai đoạn 2018 - 2020, hầu hết đều được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm.

Cuối tháng 5/2023, 114 MW của nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) đã chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD). Đây là dự án điện tái tạo trong nước "về đích" đầu tiên trong nhóm các dự án chuyển tiếp.

Ngoài ra, công ty còn phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái và đang triển khai nhà máy điện mặt trời Krong Pa 2 tại Gia Lai công suất 49MW, nhà máy điện gió Trà Vinh giai đoạn 1 công suất 80MW.

Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital cho biết, các trang trại điện mặt trời của BCG Energy hiện tuân thủ giá bán điện theo giá FIT của Quyết định 11, 13 và 21 cho các dự án điện chuyển tiếp, tương ứng 9,35 cent/kWh, 7,09 cent/kWh và khoảng 5 cent/kWh với các dự án điện chuyển tiếp.

Đối với điện mặt trời áp mái, công ty có nhiều phương án kinh doanh, một là thuê mái sau đó bán điện lên lưới quốc gia, giá ghi nhận theo Quyết định 13 là 8,38 cent/kWh hoặc theo Quyết định 11 là 9,35 cent/kWh. Phương án 2 là lắp đặt ngay trên trên các cơ sở nhà xưởng kinh doanh, rồi bán cho nhà máy tự dùng. Với phương án này, công ty thường có mức chiết khấu theo thị trường.

Với Quy hoạch Điện VIII, ông Tuấn cho biết, BCG Energy có một loạt dự án đề xuất theo Quy hoạch, sắp tới công ty sẽ làm việc với cơ quan chủ quản để hoàn thiện giấy phép. Lãnh đạo BCG kỳ vọng 2024 có thể triển khai loạt dự án điện nhằm nâng công suất lên, với một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Mục tiêu đến cuối 2025 sẽ sở hữu 1,5 -2 GW năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang thực hiện nghiên cứu dự án điện sinh khối, tích trữ điện năng và quan sát cơ hội để phát triển mạng lưới truyền tải trong trường hợp chính sách Nhà nước cho phép. "Câu chuyện năm 2024 sẽ liên quan đến truyền tải", ông Tuấn nói.

Về việc IPO BCG Energy, ông Tuấn cho biết trong một năm qua, công ty đã làm việc với KPMG Singapore và hiện tại sẽ thực hiện hai chuyện song song. Đầu tiên là hoàn thiện hồ sơ và sau đó sẽ nộp lên UPCoM trong quý 2/2023. Thứ hai là làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để huy động vốn. Công ty kỳ vọng việc hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý sẽ hỗ trợ BCG huy động vốn từ nhà đầu tư.