BĐS phía Tây và Đông Hà Nội nhiều diễn biến, phía Nam thì sao?

Admin

Thị trường căn hộ phía Nam Hà Nội không phủ sóng với nhiều dự án cao cấp, hạng sang như phía Tây hay chiếm cứ nhiều đại đô thị như phía Đông, nhưng lại hội tụ nhiều yếu tố khiến khách hàng dịch chuyển về đây.

Diễn biến gia tăng sức hút cho phía Nam

Thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận tín hiệu tích cực từ đầu năm tới nay khi nguồn cung và lực mua đều được cải thiện. Tuy vậy, giá bán căn hộ không ngừng leo thang và có sự chênh lệch tại các khu vực trên thành phố đã tạo nên một số xu hướng đáng chú ý.

Về giá, trong báo cáo thị trường căn hộ quý III/2024, Savills Việt Nam cho biết giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng, vượt mức bình quân so với Tp. HCM. Mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng/m2.

Một báo cáo khác cho biết, tính hết quý II/2024, mức giá căn hộ tại khu Tây đang cao nhất toàn thị trường, khoảng 70 triệu đồng/m2, tăng 14% theo quý. Tại khu Đông, mặt bằng giá đạt khoảng 56 triệu đồng/m2, tăng 17% so với quý trước.

Đến thời điểm hiện tại, xu hướng tăng giá căn hộ tại Hà Nộ chưa dừng lại. Đơn cử tại phía Tây, nhiều chuyên gia thừa nhận, do tập trung nhiều dự án ở phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá 80 – 100 triệu đồng/m2 đã không còn cá biệt. 

Ngay cả các căn hộ diện tích nhỏ, căn hộ studio cũng tăng giá nhanh chóng. Tại khu đô thị mặt đường Đại lộ Thăng Long (Nam Từ Liêm), đã có căn một phòng ngủ được rao bán vào khoảng 2,8-3,3 tỷ đồng cho diện tích 43-47 m2.

Có thể thấy phía Tây và phía Đông là 2 khu vực dẫn dắt thị trường căn hộ Hà Nội, khi tập trung lượng giao dịch nhiều nhất, đồng thời cung cấp lượng căn hộ lớn nhất ra toàn thị trường. Tuy nhiên, mức giá tăng mạnh đã khiến không ít người mua, đặc biệt là người có nhu cầu ở thực phải chuyển hướng, kiếm tìm khu vực "dễ thở" hơn.

BĐS phía Tây và Đông Hà Nội nhiều diễn biến, phía Nam thì sao?- Ảnh 1.

Quận Hoàng Mai (Hà Nội) hút người mua nhà

Trong sự dịch chuyển này, phía Nam Hà Nội với tâm điểm là quận Hoàng Mai được lựa chọn với mức giá trung bình mềm hơn trên cả sản phẩm thứ cấp và sơ cấp, cùng tiềm năng đến từ hàng loạt quy hoạch lớn đang được triển khai.

Minh chứng là ngay từ nửa đầu năm 2024, quận Hoàng Mai chứng kiến lượng giao dịch BĐS thuộc Top5, chỉ đứng sau các quận, huyện tâm điểm ở khu Đông và khu Tây. Theo dữ liệu của OneHousing, chung cư là một trong hai sản phẩm thu hút người mua nhất tại Hoàng Mai.

Ghi nhận thực tế, các dự án còn hàng hoặc chuẩn bị mở bán ở thời điểm này đang nhận được sự quan tâm rất lớn, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung của cả thị trường. Hanoi Melody Residences (Tây Nam Linh Đàm) - dự án sơ cấp tại quận Hoàng Mai luôn đông đúc khách tìm đến. 

Nhiều nguồn tin cho thấy dự án này dự kiến mở bán đợt tiếp theo vào cuối tháng 10, hiện lượng khách đến tham quan nhà mẫu, muốn giữ căn… mỗi ngày đều đông đảo. Đây cũng là dự án cung cấp tiện ích đa dạng nổi bật như bể bơi nội khu, khu thể thao đa năng, trường mầm non, 3 tầng hầm đỗ xe thông minh…

BĐS phía Tây và Đông Hà Nội nhiều diễn biến, phía Nam thì sao?- Ảnh 2.

Dự án Hanoi Melody Residences với vị trí đắc địa tại Tây Nam Linh Đàm

Quy hoạch phát triển mạnh mẽ

Bên cạnh sự chuyển dịch của người mua do yếu tố giá, bất động sản phía Nam Hà Nội còn tăng sức hút do chiến lược quy hoạch chung. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được thông qua tháng 3/2024 đã định hướng xây dựng Cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô thuộc khu vực phía Nam, công suất dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm.

Đồng thời, TP Hà Nội đề xuất quy hoạch thành phố phía Nam sau khi xây dựng xong Cảng hàng không này. Việc hình thành khu đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).

BĐS phía Tây và Đông Hà Nội nhiều diễn biến, phía Nam thì sao?- Ảnh 3.

Quận Hoàng Mai là cửa ngõ kết nối khu vực trung tâm và thành phố Phía Nam. Ảnh: UBND TP Hà Nội

Không dừng lại ở đó, 2 huyện ở khu Nam là Thanh Trì và Thường Tín đang chuẩn bị lên quận khiến thị trường BĐS khu Nam càng có nhiều tiềm năng sáng giá. Đặc biệt, với vai trò là cửa ngõ khu vực phía Nam, BĐS tại quận Hoàng Mai sẽ có cơ hội bứt phá nhờ vị trí chiến lược, vừa gần trung tâm cũ lại cận kề thành phố mới.

Khu vực này là nơi tập trung những bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Pháp, Tai Mũi Họng Trung ương… và những trường đại học uy tín cả nước như Bách Khoa, Xây Dựng, Kinh tế Quốc dân…

Hạ tầng giao thông Hoàng Mai đã và đang được tập trung phát triển mạnh. Đi qua quận này là đường vành đai 3, tuyến cao tốc huyết mạch Bắc Nam Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1A, được xem là khớp nối quan trọng kết nối Thủ Đô và các tỉnh lân cận... 

Nhiều tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch đi qua Hoàng Mai như tuyến số 1, 3,… Năm 2024, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm sát kề quận này gồm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, trục đường phía Nam, dự án mở rộng đường Tam Trinh…

Sự bứt phá của hạ tầng khu Nam nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng đang thúc đẩy thị trường BĐS hấp dẫn hơn.

Hạ tầng tăng tốc đến đâu BĐS sẽ tăng giá đến đó là quy luật tất yếu của thị trường. Những dự án có vị trí đẹp, pháp lý vững, đa dạng tiện ích phục vụ cư dân sẽ là lựa chọn ưu tiên của khách hàng khi đi về phía Nam./.

Nguyễn Minh