Bé 6 tuổi bị kẹt gãy chân vì mải xem điện thoại khi đi thang máy: Bài học cảnh tỉnh từ thói quen "xấu xí"

Admin

Do quá tập trung xem điện thoại trong lúc vào thang máy, bé gái đã bị kẹt chân ở cửa thang máy, phải nhập viện cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Tp.Cần Thơ) cho biết đã phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhi bị chấn thương chân trái nghiêm trọng do bị kẹt chân cửa thang máy tại nhà.

Theo Tuổi Trẻ, bệnh nhi là bé gái H.N.H. (6 tuổi, ở Tp. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang)

Theo chia sẻ từ gia đình, trước đó tại nhà do quá tập trung xem điện thoại trong lúc vào thang máy, nên chân trái bé đã bị kẹt ở cửa thang máy.

Ngay sau khi phát hiện gia đình đã bấm thang máy đưa bé ra ngoài, tuy nhiên vết thương ở đùi và cẳng chân trái chảy máu rất nhiều. Người thân đã tiến hành sơ cứu cầm máu, băng bó và đưa ngay đến bệnh viện điều trị.

Khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, tình trạng bệnh nhi bị sốc mất máu, lừ đừ, có dấu hiệu hôn mê, da xanh, niêm nhợt… Vết thương vùng chân trái bị lóc da rộng, gãy hở lộ xương cẳng chân trái dẫn đến chảy máu, gãy xương đùi, bập bềnh khớp gối.

Bé 6 tuổi bị kẹt gãy chân vì mải xem điện thoại khi đi thang máy: Bài học cảnh tỉnh từ thói quen "xấu xí"- Ảnh 1.

Phim chụp chân bệnh nhân bị gãy do kẹt vào cửa thang máy gia đình. Ảnh: Giáo dục & Thời đại,

Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc chấn thương, mất máu cấp, gãy hở độ IIIB, đứt gần lìa cẳng chân trái, gãy xương đùi trái, chấn thương bụng chậu do tai nạn sinh hoạt. Ê-kíp bác sĩ nhận định đây là ca cấp cứu khẩn và kích hoạt "báo động đỏ nội viện", phẫu thuật cấp cứu.

Thông tin trên Giáo dục & Thời đại, hiện tình trạng bệnh nhi ổn định, đã được xuất viện theo dõi ngoại trú sau 2 tuần điều trị.

ThS.BS. Lê Dũng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Trẻ em thường ít để ý các nguy cơ xung quanh và chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn sinh hoạt gây thương tích nguy hiểm. Bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị tổn thương nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi. Tuy nhiên, có trường hợp nặng khó phục hồi nhanh chóng như đứt lìa ngón tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng.

Qua đây, BS. Lê Dũng khuyến cáo gia đình và người thân khi chăm sóc trực tiếp cho trẻ cần chú ý đảm bảo an toàn và đánh giá bao quát các tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Trường hợp không may xảy ra tai nạn, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện bất thường. Nếu bị các chấn thương nặng, cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện chuyên khoa để được khám và xử trí kịp thời.

Để giữ an toàn cho bản thân, đặc biệt là trẻ nhỏ khi đi thang máy, mọi người cần lưu ý những điểm sau:

Không cố chui vào khi cửa đã bắt đầu đóng vì sự cố có thể xảy ra bất kì lúc nào.

Không nô đùa, nhún nhảy trong thang máy vì hành động này khiến thang mất cân bằng, tạo sức ép lên sàn cabin, có thể kích hoạt thiết bị báo quá tải và khiến thang dừng hoạt động.

Không dùng thang máy trong trường hợp động đất, hỏa hoạn, mất điện

Không dùng thang máy vận chuyển hàng hóa: Thang máy tại các tòa nhà chung cư thường không được thiết kế để chở vật cồng kềnh và các loại hàng hóa độc hại, dễ gây cháy nổ. Để đảm bảo an toàn, nên dùng các loại thang máy chuyên dụng khi cần vận chuyển những vật phẩm này.

Không để trẻ em dùng thang máy khi không có người lớn: Trẻ nhỏ thường hiếu động và không ý thức được những hành động bấm số tất cả các tầng bảng số, chạy nhảy trong cabin hoặc không chú ý khi đi thang máy… có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, không bao giờ để trẻ nhỏ đi một mình trong thang máy.

Người dùng thang máy phải luôn quan sát kỹ trước khi bước vào, ra khỏi thang vì sàn thang máy có thể dừng không bằng với mặt đất.

Khi vào thang máy, đứng tránh xa cửa, nên đứng lùi về phía cuối cabin, vịn tay vào tay cầm (nếu có) để giữ thăng bằng, mặt hướng về phía trước.

Nhấn nút mở cửa để giữ cabin cho người khác, khi người trong cabin cần bước ra, hãy nhẹ nhàng di chuyển sang một bên để nhường chỗ. Hãy kiên nhẫn chờ đợi đến lượt sau nếu thấy thang máy đã quá đông người.

Khi phát hiện dấu hiện bất thường như: gương vỡ, tiếng ồn, hoạt động chậm, dừng lại đột ngột, hãy báo ngay cho bộ phận quản lý và bảo dưỡng.

Trong trường hợp gặp sự cố trong thang máy cần tỉnh táo, bình tĩnh, sử dụng phím Interphone hoặc điện thoại di động để liên lạc với bộ phận kỹ thuật. Không tự ý cậy cửa cabin, cửa tầng. Điều này có thể gây ra thương tích không đáng có. Không la hét, hoảng loạn vì có thể khiến lượng oxy trong thang máy cạn kiệt nhanh hơn.

Minh Hoa (t/h)

Tham khảo thêm
Nghệ An: 7 học sinh bị ong đốt, 1 em tử vong trên đường đi cấp cứuNghệ An: 7 học sinh bị ong đốt, 1 em tử vong trên đường đi cấp cứu