Lê Lê, cậu bé 5 tuổi sống tại Trung Quốc, mỗi ngày sau khi tan học đều được bố mẹ đưa đến siêu thị gần nhà để mua đồ ăn vặt.
Vì là siêu thị quen thuộc, bố mẹ cũng thường cho phép Lê Lê tự do chơi đùa trong khi họ mua sắm.
Tuy nhiên, trong một lần mẹ cậu mải trò chuyện với người quen mà không để ý, Lê Lê đã bất ngờ biến mất. Khi phát hiện không thấy con đâu, mẹ cậu bé vội vàng nhờ sự hỗ trợ của an ninh và xem lại camera giám sát.
Trong video, người ta phát hiện một người phụ nữ trung tuổi đã bế Lê Lê chạy ra ngoài và trong chớp mắt cô ta cùng đứa trẻ biến mất sau cánh cửa siêu thị.
Lúc này, người mẹ mới nhận ra rằng con trai mình đã bị bắt cóc bởi một kẻ buôn người và vội vàng gọi cảnh sát.
Khi cảnh sát vào cuộc, họ đã theo dõi thông tin từ các điểm giao thông gần đó và may mắn tìm thấy Lê Lê tại ga tàu. Thật bất ngờ, chính sự thông minh của cậu bé đã giúp cậu thoát khỏi tay bọn buôn người.
Khi bị bế đến ga xe lửa, Lê Lê nhớ lại lời dặn của bố mẹ về cách đối phó với kẻ lạ. Cậu đã la lớn với người xung quanh rằng: "Mẹ ơi, sao mẹ đến trễ vậy!".
Câu nói bất ngờ của Lê Lê khiến kẻ buôn người sợ hãi, nghĩ rằng mình sắp bị phát hiện nên lập tức bỏ chạy.
Sau đó, Lê Lê nhanh chóng tìm được sự giúp đỡ từ những người xung quanh và họ đã gọi điện báo cảnh sát.
Sự việc của Lê Lê là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy con cách tự bảo vệ bản thân.
Trước hết, để tránh những kẻ buôn người làm hại con mình, cha mẹ có thể mua thêm sách dạng truyện tranh để cùng con đọc và trả lời các câu hỏi trong tình huống thực. Hoặc bố mẹ cũng có thể tải một số video giáo dục an toàn để đồng hành cùng con, xem và kích thích hứng thú học tập của các em. Phải để trẻ hiểu rõ rằng không phải ai cũng đáng tin và phải học cách phân biệt người quen với người lạ.
Cha mẹ nên củng cố nhận thức của trẻ về những tình huống nguy hiểm có thể gặp phải, dạy trẻ phương pháp và kỹ năng tự lập. Ngay cả khi không có cha mẹ ở bên, chúng cũng có thể ứng phó với tình huống và kịp thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Cha mẹ cần dạy con không được nhận quà từ người lạ, không đi theo họ và không tiết lộ thông tin cá nhân nếu chưa được sự cho phép.
Trẻ cũng cần ghi nhớ địa chỉ nhà và số điện thoại của bố mẹ để có thể tìm sự trợ giúp khi cần thiết.
Một phương pháp hữu ích nữa là thiết lập mật khẩu gia đình, giúp trẻ xác nhận danh tính của người đến đón mình. Ngoài ra, cha mẹ nên trang bị cho trẻ một số kỹ năng tự vệ cơ bản như hét to hoặc tấn công vào những điểm yếu của kẻ bắt cóc.
Cha mẹ cần thường xuyên giám sát các hoạt động của con, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để trẻ có thể chia sẻ cảm xúc và lo lắng của mình với cha mẹ là cách hiệu quả để trẻ biết rằng mình luôn được bảo vệ.
Minh Hoa (t/h)