Bộ trưởng KH&CN tiếp các nhà khoa học tham dự giải VinFuture

Admin

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn các giáo sư, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các đề tài hợp tác chung lâu dài với các nhà khoa học Việt Nam để cùng nghiên cứu và giải quyết các vấn đề toàn cầu như năng lượng, biến đổi khí hậu...

Bộ trưởng KH&CN tiếp các nhà khoa học tham dự giải VinFuture - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tiếp các nhà khoa học tham dự giải VinFuture - Ảnh: VGP/HG

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã có buổi tiếp các nhà khoa học tham dự giải VinFuture do TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture làm Trưởng đoàn.

Chào đón đoàn tới thăm, làm việc với Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đây là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện kết nối, hợp tác lâu dài giữa Bộ KH&CN - VinFuture - các nhà khoa học, giáo sư hàng đầu thế giới trong tương lai.

Bộ trưởng đã trao đổi cùng các giáo sư, các nhà khoa học một số chính sách về KHCN, đổi mới sáng tạo của Việt Nam; mong muốn các giáo sư chia sẻ kinh nghiệm phát triển KH&CN ở các quốc gia nơi các giáo sư đang làm việc.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. KHCN và GDĐT được xác định là hai quốc sách của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó xác định các định hướng ưu tiên trong KHCN và đổi mới sáng tạo; cụ thể những hướng ưu tiên tập trung cho những vấn đề toàn cầu như: Công nghệ cho năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng KH&CN tiếp các nhà khoa học tham dự giải VinFuture - Ảnh 2.

Bộ trưởng mong muốn các nhà khoa học hàng đầu thế giới hợp tác cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề toàn cầu - Ảnh: VGP/HG

Theo Bộ trưởng, để thực hiện Chiến lược hiệu quả, Bộ KH&CN đã triển khai hoạt động KHCN thông qua hệ thống các chương trình KHCN quốc gia; thực hiện tài trợ thông qua Quỹ phát triển KHCN quốc gia; thực hiện các ưu tiên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long - là vùng kinh tế trọng điểm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nước biển dâng và biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, với mục tiêu tiến đến phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu như: Nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi chịu hạn, chịu mặn, công nghệ AI nhằm dự báo thiên tai như bão, lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, để kịp thời phòng ngừa...

"Các vấn đề toàn cầu này cần được giải quyết trên cơ sở KHCN và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Chia sẻ với các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới về những khó khăn như thiếu vốn và công nghệ, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các giáo sư, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các đề tài hợp tác chung lâu dài với các nhà khoa học Việt Nam để cùng nghiên cứu và giải quyết các vấn đề toàn cầu như năng lượng, biến đổi khí hậu...; giúp Việt Nam có cơ hội để phát triển KH&CN mạnh mẽ, từ đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại buổi tiếp, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu và phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam như phát triển AI tạo sinh; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về KH&CN; phát triển sản xuất điện mặt trời; thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất pin phục vụ cho sử dụng và phát triển kinh tế; phát triển nghiên cứu tia lazer; đẩy mạnh bảo vệ tầng ozon, chống biến đổi khí hậu…

Các nhà khoa học khẳng định, sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề toàn cầu và thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam.