Các “sếu đầu đàn” PVN, Petrolimex, Vitas, Sữa TH… đang dẫn dắt nền kinh tế ESG Việt Nam

Admin

Việt Nam đang cải thiện về kinh tế xanh với tốc độ nhanh so với trên thế giới, khoảng 12-14%/năm. IIA Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới được IIA quốc tế công nhận là Viện Kiểm toán viên nội bộ độc lập chỉ sau 2 năm thành lập.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được IIA công nhận là Viện Kiểm toán viên nội bộ độc lập chỉ sau 2 năm

“IIA Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được IIA quốc tế công nhận là Viện Kiểm toán viên nội bộ độc lập chỉ sau 2 năm thành lập . Đặc biệt, nếu tất cả các nước khác phải mất 3 năm để được đánh giá, thì IIA Vietnam chỉ mất 22 tháng để được công nhận là Viện Kiểm toán viên nội bộ độc lập ”, chia sẻ đáng chú ý tại Hội nghị Kiểm toán Nội bộ thường niên 2024.

Được biết, Việt Nam gia nhập mạng lưới kiểm toán nội bộ quốc tế IIA Global từ năm 2022. IIA là tổ chức Kiểm toán Nội bộ đi đầu về chuẩn mực, chứng chỉ, đào tạo, nghiên cứu và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ toàn cầu. Năm 2024, các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam đã có sự tiến triển vượt bậc trong nhận thức cũng như chuyển đổi sang phát triển bền vững.

So với các năm trước đó, khảo sát của IIA Việt Nam năm 2022 cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đủ về ESG, thậm chí đang thực hiện kiểm toán nội bộ cho chủ đề ESG ở mức độ khác nhau. Báo cáo năm 2023, nhận thức đã được nâng lên song việc triển khai ESG trong kiểm toán nội bộ vẫn còn nhiều vướng mắc. Dù rằng, từ năm 2023 hầu hết các doanh nghiệp đều có quy chế/quyết định thành lập hoặc tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ.

Đối tượng tham gia khảo sát là doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Tp.HCM và Hà Nội, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ con, doanh nghiệp nhà nước là công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con.

Các “sếu đầu đàn” PVN, Petrolimex, Vitas, Sữa TH… đang dẫn dắt nền kinh tế ESG Việt Nam

Thực tế, ghi nhận từ Green Media Hub, nhiều doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp lớn đã và đang đồng hành thúc đẩy ESG – chỉ số cực quan trọng trong nền kinh tế mới, quyết định việc giao thương với nước ngoài cũng như thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong đó, với vai trò “cánh chim đầu đàn”, Petrovietnam (PVN) cho biết đề mục tiêu đạt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20%vào năm 2030 và 25 - 30% vào năm 2045. Song song, PVN cũng nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; nâng cao năng lực nhập khẩu LNG lên 8 tỷ m3/năm 2030 và 15 tỷ m3/năm 2045...

Để thực hiện được các mục tiêu này, PVN được biết đã và đang xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, trong đó chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng. Tập đoàn cũng định hướng giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; đến năm 2030 – 2045 chính thức sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm. Hiện, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn về hydrogen. Hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng có kế hoạch thử nghiệm sử dụng hydrogen xanh thay thế một phần sản xuất amoniac.

Là đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất cả nước, Petrolimex (PLX) cho biết là đơn vị tiên phong hoàn thành thay thế toàn bộ sản phẩm xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 từ tháng 1/2022. Công ty đề mục tiêu đạt 50% doanh thu từ sản phẩm nhiên liệu và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030, đến năm 2045 sẽ đạt 100% tỷ trọng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.

Các “sếu đầu đàn” PVN, Petrolimex, Vitas, Sữa TH… đang dẫn dắt nền kinh tế ESG Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh: Các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn về hydrogen.

Ở nhóm dệt may, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – chia sẻ với Green Media Hub: “Thực tế, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi xanh từ năm 2018 từ định hướng phát triển của Chính phủ cũng như từ việc đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” .

Trong đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng chứng chỉ LEED (Leadership in Energy & Environment Design); gần 1.000 đơn vị cũng đã áp dụng Higg FEM - Facility Environmental Module (Mô-đun Môi trường Cơ sở Higg) được xây dựng bởi Liên minh May mặc Bền vững (SAC) tiếp nối là Cascale; Việt Nam hiện là quốc gia có thứ hạng cao thứ hai về điểm trung bình quốc gia v-Higg FEM (Higg FEM 2022) đứng sau Trung Quốc và trước Bangladesh.

Vị này nhấn mạnh, những kết quả mà ngành dệt may Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây về kim ngạch xuất khẩu với sự tăng trưởng đáng ghi nhận (8-10%/năm) đã chứng minh được chiến lược phát triển đúng đắn. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết hiện doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện việc đánh giá và công nhận chứng chỉ này do chi phí cao (chiếm 10-15% chi phí).

Tại nhóm sản xuất, đại diện Heineken Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 là giảm phát thải về 0 (Net Zero) trong phạm vi sản xuất trực tiếp. Cụ thể là các hoạt động như sản xuất, xử lý chất thải, và quản lý năng lượng nội bộ. Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho biết Công ty đang tiên phong sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 5 nhà máy bia trên toàn quốc.

Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, Heineken Việt Nam đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy. Toàn bộ 5 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu.

Tương tự, ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc CTCP Sữa TH - cũng chia sẻ TH đã sớm triển nhà máy xanh ở Việt Nam, từ năm 2020 đã sử dụng năng lượng tái tạo. Ông Mandal cho rằng để đạt được mục tiêu Net Zero carbon với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững thì hoạt động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR)...

Các “sếu đầu đàn” PVN, Petrolimex, Vitas, Sữa TH… đang dẫn dắt nền kinh tế ESG Việt Nam- Ảnh 2.

Ảnh: TH đã sớm triển nhà máy xanh ở Việt Nam, từ năm 2020 đã sử dụng năng lượng tái tạo.

Với nhóm doanh nghiệp gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) cho biết hoạt động xuất khẩu là chủ yếu, nên nhận thức về chuyển đổi xanh của ngành gỗ phải được đề cao từ sớm. Bởi, thị trường thế giới chuyển dịch rất nhanh về hướng xanh yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Thách thức lớn nhất không chỉ ở tiêu chuẩn mà là khả năng sáng tạo, tự chủ thiết kế để gia tăng tính cạnh tranh.

Dù vậy, tương tự dệt may, vấn đề lớn nhất là vốn, đặc biệt trong quá trình sản xuất. Bởi, để chuyển đổi xanh đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị, tiết giảm phát thải. Song song, chuỗi cung ứng gỗ cũng là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp hiện nay.

Tựu chung, ESG là một trong những con đường bắt buột toàn nền kinh tế phải đi qua. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chính sách Bộ TN&MT cho biết tại COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ là Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vị này cũng chia sẻ một điều đáng mừng là Việt Nam đang cải thiện về kinh tế xanh với tốc độ nhanh so với trên thế giới, khoảng 12-14%/năm. Tuy vậy quy mô nền kinh xanh đang còn nhỏ, năm 2020 chỉ ở mức 2%, cho đến bây giờ 4-4,5%...