Cách Ukraine dùng xe tăng từ thời Liên Xô tìm cách vượt qua phòng tuyến Nga

Admin

Theo các chuyên gia quân sự, Nga đã đưa những chiếc xe tăng cũ từ thời Chiến tranh Lạnh ra tham chiến ở tiền tuyến, nhưng dường như Ukraine cũng đang áp dụng chiến thuật tương tự.

Việc triển khai xe tăng trên chiến trường của Nga và Ukraine có những điểm khác biệt đáng kể.

Trong suốt chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga chủ yếu sử dụng 4 mẫu xe tăng là T-64, T-72, T-80 và T-90, trong đó T-72 chiếm phần lớn. Tuy nhiên, khi gặp nhiều tổn thất trên chiến trường, Nga đã chuyển sang sử dụng các xe tăng cũ hơn trong kho vũ khí, gồm T-62, T-55 và T-54, một số chiếc có từ những năm 1940.

Cách Ukraine dùng xe tăng từ thời Liên Xô tìm cách vượt qua phòng tuyến Nga - Ảnh 1.

Xe tăng T-64BV được nâng cấp của Ukraine. Ảnh: Wikimedia Commons

Trong khi đó, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại xe tăng, bao gồm Challenger 2 do Anh sản xuất và Leopard và Leopard 2 do Đức sản xuất. Ukraine cũng đang sử dụng những chiếc xe tăng T-64 cũ hơn.

Nga đã dựng các tuyến phòng thủ bằng mìn để ứng phó với cuộc phản công của Ukraine. Số lượng mìn lớn, kết hợp với việc bố trí và sử dụng chiến lược các bẫy mìn sát thương, gây ra thách thức lớn đối với nỗ lực phản công của Ukraine ngay cả khi nước này được trang bị xe tăng của phương Tây.

Ukraine dùng xe tăng cũ để tham chiến

Tạp chí 19Fortyfive, chuyên trang về quân sự của Mỹ, đánh giá rằng những chiếc xe tăng cũ hơn có thể phù hợp trong việc rà phá các bãi mìn xung quanh phòng tuyến của Nga.

Bẫy mìn nguy hiểm của Nga đã cản bước tiến của quân đội Ukraine trong cuộc phản công. Theo các nhà quan sát, Nga tạo ra bãi mìn dọc chiến tuyến trải dài hơn 1.200km ở Ukraine. Những bãi mìn trải dài hàng trăm km, hàng triệu thiết bị kích nổ, ở một số nơi trên tiền tuyến, mật độ rải mìn lên đến 5 quả/m2.

Dan Rice, cựu cố vấn người Mỹ cho Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny, cho rằng, trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine đang có dấu hiệu chậm lại, nước này nên dựa vào kho xe tăng cũ của Liên Xô để xuyên qua các tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga, đồng thời giữ lại các xe tăng được phương Tây cung cấp.

Theo ông Rice, những chiếc xe tăng cũ hơn như T-64 thời Liên Xô “có thể sử dụng nhiều hơn” khi Ukraine cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga. Ông lưu ý xe tăng Leopard và M1 Abrams có thể tham chiến sau khi binh sĩ Ukraine đã xâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ của Nga.

“Người ta sẽ không mạo hiểm đưa những chiếc xe tăng tốt nhất của mình để vượt qua các khu vực biết rõ là có mìn”, ông Rice nói.

Bình luận về chiến thuật của Ukraine, Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại khoa nghiên cứu chiến tranh của Đại học King’s College London, nói rằng Ukraine “đã thử sử dụng các xe tăng Leopard và bị mắc kẹt trong các bãi mìn”. “Đây là một bài học cay đắng đối với các lực lượng Ukraine”.

Ukraine đã mất 6 chiếc Leopard 2A4 và 9 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực 2A6, bởi vậy nước này khó có thể tiếp tục mạo hiểm sử dụng bất kỳ chiếc xe tăng tiên tiến còn lại trong việc rà phá bom mìn. Trong khi đó, xe tăng T-64 do Liên Xô chế tạo có thể rất phù hợp trong trường hợp này.

Dù Ukraine có khoảng 300 chiếc T-64 có thể đã được nâng cấp thành T-64BV và T-64BM, thì những chiếc xe tăng từ thời Chiến tranh Lạnh được hiện đại hóa vẫn khó có thể chống lại các xe tăng hiện đại hơn khi chiến đấu ở tiền tuyến. Theo ông Rice, những mẫu T-64A cũ hơn vẫn có thể khá hữu ích trong việc rà phá các bãi mìn, đơn giản vì chúng “dễ sử dụng hơn”.

Cách Nga và Ukraine sử dụng xe tăng T-64

Đáng chú ý, ngay cả khi quân đội Nga vẫn duy trì sử dụng xe tăng T-62 và các loại xe tăng cũ hơn, số lượng xe tăng T-64 của họ phần lớn đã bị cho nghỉ hưu, với hàng nghìn chiếc dự kiến sẽ bị tiêu hủy.

Ngược lại, Ukraine đã tiến hành phát triển hiện đại hóa xe tăng T-64 do đây là nơi đặt nhà máy chính sản xuất xe tăng giai đoạn đầu tiên. Các biến thể hiện đại hóa của T-64 đã trở thành loại xe tăng phổ biến nhất trong kho vũ khí của Ukraine vào năm 2022, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.

Từ khi T-64 ra mắt năm 1963, Liên Xô đã vận hành song song 2 dòng xe tăng. Xe tăng T-64 sau đó đã phát triển thành T-80 trong khi T-72 phát triển thành T-90. Tổng cộng có khoảng 13.000 chiếc T-64 được sản xuất tính đến năm 1987.

T-64 được phát triển để thay thế cho T-62. Loại xe tăng này sở hữu một số tính năng tiên tiến hơn bao gồm lớp giáp composite, động cơ và hộp số nhỏ gọn, cũng như hệ thống nạp đạn tự động đưa số thành viên đội tăng xuống còn 3 người.

Điều này cho phép xe tăng nhỏ hơn và nhẹ hơn nhưng vẫn được trang bị vũ khí và lớp bảo vệ giống như một chiếc xe tăng hạng nặng. Tuy nhiên, những đặc điểm đó khiến việc chế tạo T-64 trở nên tốn kém và dẫn đến sự phát triển của T-72.

Vào đầu tháng 6, Ukraine đã tiến hành cuộc phản công nhằm vào các vị trí Nga sau khi được tăng cường hàng trăm xe tăng hạng nặng của phương Tây và vũ khí khác. Tuy nhiên, cho đến nay, Ukraine vẫn chưa giành được nhiều bước tiến đáng kể.

Ukraine đã chịu nhiều tổn thất về thiết bị quân sự. Nga nói đã phá hủy gần 5.000 phương tiện của Ukraine, bao gồm ít nhất 25 xe tăng Leopard và 21 xe chiến đấu bộ binh Bradley.