Cần hơn 10.000 tỉ đồng xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT

Admin

(NLĐO) - Chính phủ cho biết dự kiến tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỉ đồng

Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về lĩnh vực giao thông vận tải.

Cần hơn 10.000 tỉ đồng xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT đường tránh Quốc lộ 1A nằm tại Km 286+397, Quốc lộ1A, thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong những dự án BOT được đề xuất xử lý bất cập

Về giải quyết vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, ngày 27-4-2023, Bộ GTVT có Tờ trình số 4405/TTr-BGTVT trình Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án BOT.

Trạm thu phí BOT bỏ hoang nằm giữa quốc lộ, cản trở giao thông

Theo đó, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về những nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý khó khăn bất cập đối với 8 dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý với 2 giải pháp cơ bản, gồm:

Bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa (bất cập trạm Bỉm Sơn), dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi (không thể thu phí tại các cảng đường sông do điều chỉnh quy hoạch), dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 (xử lý bất cập trạm Quốc lộ 3 để bảo đảm an ninh trật tự); dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ); dự án cải tạo Quốc lộ 91 TP Cần Thơ (sụt giảm doanh thu do đầu tư cầu Vòm Cống và tuyến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, đường tỉnh 922).

Sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/8 dự án BOT còn lại, gồm: BOT cầu Ba Vì - Việt Trì (kết nối Hà Nội và TP Việt Trì); BOT cầu Thái Hà (kết nối Hà Nam - Thái Bình); BOT hầm Đèo Cả (thay thế quyền thu phí trên cao tốc La Sơn - Túy Loan).

Dự kiến, tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỉ đồng (giá trị cập nhật đến tháng 3-2023).

Về kế hoạch triển khai, Bộ GTVT cho biết đang phối hợp lấy ý kiến các bộ, ngành về nội dung Tờ trình Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các dự án BOT giao thông theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Sau khi có đầy đủ ý kiến tham gia, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giải pháp xử lý theo đúng thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho biết trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để xác định cụ thể mức chia sẻ của các bên, bảo đảm nguyên tắc "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để xác định mức vốn nhà nước thanh toán khi chấp dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.

Đã áp dụng thu phí không dừng tại toàn bộ trên các tuyến quốc lộ

Theo Chính phủ, đến nay hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc đã hoàn thành, đưa vào hoạt động đồng bộ đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, trong đó các trạm thu phí trên tuyến quốc lộ đã áp dụng thu phí không dừng tại toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều xe chạy; tại các tuyến cao tốc tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn.

Hệ thống thu phí điện tử không dừng đưa vào hoạt động đã tạo thuận lợi cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tính đến tháng 6-2023 đạt trên 92% tổng số lượng phương tiện trên cả nước - với khoảng 4,7 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ.