Cần trang bị “vắc-xin” phòng chống “Anti fake news”

Admin

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, để hạn chế tin giả, tin sai sự thật điều quan trọng nhất phải là ý thức của người dùng.

Tại buổi lễ công bố "Chiến dịch Tin" nhằm nâng cao ý thức người dùng internet tại Việt Nam sáng 11/10, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.

Thông tin về thực trạng tin giả, lan truyền tin giả trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tin giả không chỉ mới xuất hiện bây giờ mà đã xuất hiện từ rất lâu.

Nhưng, lúc này cùng với sự phát triển của internet, công nghệ thì đã tạo ra một cơ hội chưa từng có để lan truyền tin giả, tiếp cận rất nhiều và tác hại rất lớn, vấn nạn về an toàn thông tin hiện nay.

Sự kiện - Cần trang bị “vắc-xin” phòng chống “Anti fake news”

Các chuyên gia, nhà sáng tạo nội dung tại tọa đàm.

Tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp tung tin giả đã bị xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự. “Nếu tất cả chúng ta lan truyền được những thông điệp về phòng chống tin giả, về nhận thức thì sẽ không có những vụ án đau lòng thời gian qua”, ông Tự Do nói.

Cũng theo ông Tự Do, công nghệ pbát triển nhanh, nếu như trước đây truyền hình trực tiếp là thế mạnh độc tôn của các đài truyền hình thì khoảng 5 năm nay, bất cứ ai có một chiếc điện thoại thông minh là có thể livestream, truyền hình trực tiếp, thu hút lượng lớn người xem.

Bây giờ còn có một công nghệ mới hơn là AI tạo ra những người như thật để livestream bán hàng, giao tiếp với người khác… nặng hơn là dùng AI, công nghệ để lồng ghép những gương mặt của người nổi tiếng vào trong những bộ phim, clip gây ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của người nổi tiếng.

Ghi nhận những thành tựu vĩ đại của loài người đạt được, nhưng đi kèm với nó, ông Tự Do cho rằng cần có những biện pháp để ngăn chặn mặt trái. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thì ông cho rằng “cuộc rượt đuổi” không có hồi kết. Do đó, điều quan trọng nhất phải là ý thức của người dùng.

“Mỗi người trang bị được vắc-xin, sức đề kháng (bộ lọc-PV) thì chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Bởi, cuộc sống muôn hình vạn trạng, cơ quan quản lý có thể cấm nhưng không thể nào xuể. Nếu chúng ta có được sức đề kháng, vắc-xin phòng chống “Anti Fake news” chắc chắn sẽ giảm được nhiều những tình huống bất ngờ nhất”, ông Tự Do phân tích.

Sự kiện - Cần trang bị “vắc-xin” phòng chống “Anti fake news” (Hình 2).

Ông Lê Quang Tự Do nói về kiểm soát tin giả, tin sai sự thật.

Ông dẫn chứng, mới nhất là việc lừa đảo trên không gian mạng Bộ TT&TT đã chặn hàng trăm ngàn tài khoản và SIM số điện thoại, nhưng không hết. Vì cứ "chặn cái này lại mọc ra cái khác", đặc điểm của mạng xã hội, SIM điện thoại là quá dễ mua.

Để kiểm soát tin giả, tin sai sự thật, thúc đẩy văn hóa tích cực trên không gian mạng, ông Tự Do cho biết, chính sách quan trọng nhất Bộ TT&TT đang trình Chính phủ và sắp triển khai đó là xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại.

“Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ thay đổi căn bản đối với việc sử dụng mạng xã hội”, ông Tự Do nói và chỉ ra thực tế trên mạng xã hội thời gian qua nhiều tài khoản ẩn danh họ tự động đăng tải những thông tin bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Và họ nghĩ ẩn danh sẽ không ai xử lý được nên dẫn đến hành động mà trong đời thực không ai dám làm.

“Số điện thoại hiện nay được xác thực bằng căn cước công dân, có nghĩa là người dùng phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, nội dung đăng tải. Khi chịu trách nhiệm, biết có pháp luật điều chỉnh, ánh sáng pháp luật soi sáng đến mọi ngóc ngách ở trên mạng xã hội thì chắc chắn hành vi của mỗi người trên không gian mạng sẽ tốt hơn rất nhiều, tương xứng như đời thực”, ông Tự Do nhấn mạnh.

Có sức đề kháng phòng chống tin giả

Trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin về việc làm sao để người dùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tránh được tin giả, tin xấu độc, ông Tự Do cho biết, Bộ TT&TT có nhiều chương trình trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin đến với người dân vùng sâu vùng xa, với nhiều loại hình thông tin. Về phát thanh truyền hình phủ sóng 100% đến các vùng thôn, bản; đặt hàng đưa báo giấy đến với người dân, người dân tiếp cận được nhiều thông tin hơn chính là cách để có sức đề kháng để phòng chống tin giả.

Đồng thời, phát huy vai trò của thông tin cơ sở, loa đài ở phường, khu phố, xóm, tổ… Và qua hoạt động truyền thông xã. Với những biện pháp đó, cung cấp được nhiều thông tin nhất cho người dân, như vậy sẽ trang bị được những thông tin chính thống. Qua đó, có sức đề kháng để phòng chống tin giả.

 

Hàng chục triệu người có thể tiếp cận tin sai sự thật

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết thêm, tin giả xuất hiện sớm và tồn tại cùng với loài người, internet, điện thoại smartphone giúp giảm khoảng cách về địa lý, không gian, thông tin sai lệch, sai sự thật có thể tiếp cận tới hàng chục triệu người chỉ sau 1,2 phút. Vì thế, ông Thanh cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.

Để đảm bảo quản lý nội dung an toàn trên nền tảng mạng xã hội TikTok, ông Thanh cho biết TikTok có bộ tiêu chuẩn cộng đồng cập nhật thường xuyên dựa trên phản hồi, báo cáo của người dùng để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp; cùng với đó có hội đồng an toàn, liên tục cải tiến các bộ công cụ; cung cấp kỹ năng số cho người dùng để bảo đảm được người dùng mạng an toàn….