Cần ưu tiên gần 1.200 tỷ triển khai Dự án khu đô thị Đại học Đà Nẵng

Admin

Dự án đã kéo dài 26 năm, khiến nhiều người dân “đi không được, ở không xong” nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng.

Rất cần thiết

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về triển khai đầu tư Dự án xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng.

Theo ông Vũ, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hòa Qúy – Điện Ngọc, từ 2018 đến nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đã nhiều lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tp.Đà Nẵng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư…

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện Dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, sớm báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan ưu tiên xem xét, bố trí vốn đầu tư công từ nguồn bổ sung hoặc dự phòng trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để hoàn thành giải phóng mặt bằng 23,13 ha còn lại thuộc phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn, Tp.Đà Nẵng và 170,77 ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật và một số công trình cấp thiết với tổng kinh phí khoảng 6.164 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương.

Sự kiện - Cần ưu tiên gần 1.200 tỷ triển khai Dự án khu đô thị Đại học Đà Nẵng

Dự án xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng trở thành một trong những dự án "treo" lâu nhất tại Tp.Đà Nẵng. 

Ông Vũ kiến nghị Bộ GD&ĐT ưu tiên đề xuất Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn từ nguồn kinh phí Ngân sách Trung ương bổ sung Kế hoạc đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho các dự án giải phóng mặt bằng hoàn toàn phần diện tích còn lại của Tp.Đà Nẵng và một phần diện tích khu vực Quảng Nam, đồng thời đầu tư xây dựng khu giảng đừng phục vụ đào tạo đại học, sau đại học cho Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn mới thành lập.

Theo đó, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 23,13 ha còn lại thuộc phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn, Tp.Đà Nẵng cần tổng mức đầu tư khoảng 778 tỷ đồng.

Trên địa bàn Tp.Đà Nẵng còn khoảng 23,13 ha, không tính phần diện tích đất giữ lại, chỉnh trang là 7,92 ha, chưa được giải phóng mặt bằng.

Người dân trong khu vực này rất bức xúc do việc giải phóng mặt bằng theo kiểu da beo đã gây khó khăn, chia cắt đường giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực không được đầu tư, nâng cấp gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Thứ 2 là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật diện tích khoảng 9 ha tại thị xã Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam với mức đầu tư khoảng 254 tỷ đồng.

Toàn bộ diện tích khoảng 170,77 ha, không tính phần diện tích giữ lại khoảng 19,23 ha, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được thực hiện.

Người dân ở các khu vực quy hoạch treo đã 25 năm rất bức xúc và đã có nhiều kiến nghị lên các Đoàn đại biểu quốc hội khi tiếp xúc cử tri.

Trường hợp dự án vẫn còn tình trạng quy hoạch treo, tiếp tục bị kéo dài sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế vì chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng nhanh do dân cư trên địa bàn khu vực phường Điện Ngọc phát triển rất nhanh, đông đúc.

Cụ thể là trong thời gian qua, mật độ xây dựng đã tăng cao hơn nhiều so với trước đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, gây khó khăn trong công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng trên địa bàn. Điều này còn gây mất uy tín đến Đảng bộ, chính quyền hai địa phương và các Bộ, Ngành có liên quan.

Việc đền bù giải phóng mặt bằng một phần diện tích trên đia bàn tỉnh Quảng Nam là việc khởi động thực hiện đầu tư trên địa bàn, đồng thời để mở đường trục chính đi vào khu trung tâm hành chính của Đại học Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thứ 3 là Đầu tư xây dựng khu giảng đường cấp thiết phục vụ giảng dạy đại học, sau đại học tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng, tại Khu đô thị Đại học Đà Nẵng ở Hòa Qúy, Điện Ngọc, tổng mức đầu tư đề xuất 160 tỷ đồng.

Trường này được thành lập trên cơ sở sát nhập Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu Nghị Việt Hàn và Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, Đại học Đà Nẵng, do đó, các công trình hiện chưa phù hợp cho công tác giảng dạy đai học, sau đại học. Hiện nay, rất cần được đầu tư, nâng cấp để phù hợp với quy mô đào tạo, phát triển của Nhà trường.

Dự án “treo” 26 năm

Dự án xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng hay còn được biết đến với Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt từ năm 1997, với quy mô gần 300ha. Trong đó, 110 ha thuộc quận địa phận phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Tp.Đà Nẵng, và khoảng 190 ha ở thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng, được bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai ba dự án thành phần.

Sau 26 năm kể từ ngày được phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà cửa của nhân dân.

Sự kiện - Cần ưu tiên gần 1.200 tỷ triển khai Dự án khu đô thị Đại học Đà Nẵng (Hình 2).

Nhiều người dân "đi không được, ở không xong" do vướng Dự án xây dựng khu đô thị Đại học Đà Nẵng.

Một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ là do dự án có quy mô lớn, nguồn vốn lớn, lại liên quan đến địa giới 2 địa phương, cũng như liên quan nhiều Bộ, Ngành nên thủ tục phức tạp.

Đáng chú ý, dự án gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là về công tác giải phóng mặt bằng ở phía tỉnh Quảng Nam và điều chỉnh lại quy hoạch dự án. Đến đầu tháng 5/2023, việc giải phóng mặt bằng tại dự án vẫn vướng hơn 20 hồ sơ.

Tính đến nay, dự án mới có một số đơn vị hoạt động bao gồm Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn; Khoa Giáo dục quốc phòng - An ninh, nhà làm việc của trường đại học Sư phạm kỹ thuật và công trình Nhà học tập và thực hành, thí nghiệm Khoa Y - Dược.