Phẫu thuật gắp dị vật là cây đinh vít nhọn
Ngày 15/10, thông tin từ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi
Phẫu thuật gắp dị vật là cây đinh vít nhọn
Ngày 15/10, thông tin từ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã cứu thành công cháu bé nuốt nhầm đinh vít.
Trước đó, bệnh nhi N.Q.Đ. (51 tháng tuổi, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng khó thở, tím tái.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết, sau khi ăn trưa khoảng 30 phút, trẻ đột ngột xuất hiện ngất, tím tái, ngưng thở, đã được đưa đến cấp cứu tại trạm y tế.
Sau hồi sức cấp cứu, trẻ tỉnh trở lại, khó thở vừa nên được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp tục điều trị.
Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp X-quang cho thấy có một hình ảnh dị vật cản quang phổi trái (hình dạng như chiếc đinh vít), kích thước khoảng 30 x 5mm, bịt kín hoàn toàn phổi trái.
Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn đây là một trường hợp dị vật đường thở nguy hiểm, nên quyết định nội soi phế quản cấp cứu.
Song song với công tác hồi sức và theo dõi cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng và khoa Gây mê đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị phòng mổ để tiến hành cấp cứu cho bệnh nhi một cách nhanh nhất.
Sau đó, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã nội soi đường thở cho bệnh nhân và gắp ra một chiếc đinh vít bằng sắt sắc nhọn từ phổi trái.
BSCKI. Trịnh Thanh Hưng, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, đây là một trường hợp nguy hiểm, cần can thiệp cấp cứu vì dị vật bịt kín hoàn toàn phổi trái dẫn đến suy hô hấp cấp.
Ngoài ra, với tính chất sắc nhọn của đầu đinh vít, có thể gây tổn thương đâm thủng phế quản, chảy máu phổi, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
"Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, chúng tôi đã xử lý tình huống cấp cứu một cách nhanh chóng và an toàn", bác sĩ Hưng nói.
Cần lưu ý việc trẻ nuốt nhầm dị vật nhọn
Được biết, thời gian gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận, cấp cứu thành công nhiều trường hợp dị vật đường thở.
Các nguyên nhân khiến trẻ bị dị vật đường thở như: Trẻ khóc, cười đùa trong khi ăn uống; thói quen ngậm đồ vật, thức ăn trong khi chơi đùa; do rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở trẻ em...
Về bản chất, tất cả các vật nhỏ cho vào miệng đều có thể rơi vào đường thở, có thể gặp các dị vật hữu cơ như: hạt lạc, hạt na, cùi táo, bã mía...; các loại xương thịt động vật như: đầu tôm, mang cá, càng cua, xương gà, vịt, con đỉa...; hoặc cũng có thể gặp các dị vật vô cơ như viên bi, mảnh đạn, đuôi bút bi, mảnh nhựa.
BSCKI. Trịnh Thanh Hưng cho biết, trên lâm sàng, biểu hiện của di vật đường thở thường là cơn ho sặc sụa, tím tái, vã mồ hôi, trợn mắt mũi, đôi khi đại tiểu tiện không tự chủ, cơn kéo dài khoảng 3 - 5 phút. Hội chứng này có thể khai thác được ở 93% số bệnh nhân, còn 7% không khai thác được hội chứng xâm nhập.
"Khi nghi ngờ hóc sặc dị vật thì gia đình nên đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn", BSCKI. Trịnh Thanh Hưng khuyến cáo.