CEO Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ về 30 năm đòi “công bằng” cho Robusta Việt Nam: Quan trọng là sự kiên trì, khi bạn buông tay đồng nghĩa với việc đối thủ của bạn đang vượt lên

Admin

Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo nhà sáng lập kiêm người điều hành thương hiệu cà phê King Coffee thuộc công ty TNHH MTV TNI vừa có những chia sẻ tại Tọa đàm Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.

Trả lời câu hỏi vì sao chọn khởi nghiệp vào thời điểm thị trường cà phê Việt Nam cũng như trên thế giới có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết: “Tôi khởi nghiệp ngành cà phê từ những năm 90. Trong quá trình sinh sống ở Tây Nguyên và quan sát đời sống của người nông dân trồng cà phê rất cực khổ nhưng giá bán ra chỉ được 3.000 - 5.000 đồng/kg (PV - giá những năm 1990). Thời điểm tôi đem về 3 kỷ lục cho cà phê Việt Nam, tôi đã nói đây là trang mới và đem lại sự khác biệt cho cà phê Việt Nam”.

Bà Thảo cũng nói thêm đến thời điểm hiện tại giá cà phê có những lúc lên tới 132.000 đồng/kg, đó là một tín hiệu đáng mừng cho người nông dân cũng như cây cà phê Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam tiếp tục vượt mốc 4 tỷ USD và phá kỷ lục của năm 2023. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 51,3 nghìn tấn, tương đương 287 triệu USD.

Đáng chú ý, đầu năm 2024, giá cà phê Robusta tăng trưởng đáng kể, vượt ngưỡng 4.000 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 45 năm qua và lần đầu tiên vượt cả cà phê Arabica. Là nước có vai trò sản xuất cà phê Robusta chiếm 1/3 nguồn cung toàn cầu, Việt Nam đứng trước cơ hội kinh tế lớn khi giá Robusta chuyển biến tích cực.

CEO Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ về 30 năm đòi “công bằng” cho Robusta Việt Nam: Quan trọng là sự kiên trì, khi bạn buông tay đồng nghĩa với việc đối thủ của bạn đang vượt lên- Ảnh 1.

Chia sẻ quan điểm về thông tin này, CEO Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết: “Tôi thực sự rất xúc động về thông tin đó vì xuyên suốt 30 năm qua tôi đã nỗ lực để đem lại sự công bằng cho Robusta Việt Nam. Trước đó, thế giới cứ cố gắng giấu cái tên Robusta cũng như Việt Nam đi, cứ như vậy mình cứ đi bán cà phê với giá rẻ và họ được cớ để ép giá mình. Mình thấy thực sự bất công khi chất lượng, sản lượng Robusta Việt Nam đang đứng top đầu thế giới.”

Bà Thảo cũng chia sẻ thêm rằng suốt 30 năm đồng hành cùng hạt Robusta Việt Nam, nữ doanh nhân đã đứng trên nhiều diễn đàn lớn để nói về cà phê Việt nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự chú ý từ thế giới. Đến năm 2020 khi Hội chợ triển lãm thế giới tổ chức tại Dubai (Expo Dubai) diễn ra thì cà phê Việt mới biết đến nhiều hơn. “Expo Dubai 2020 là nơi hội tụ những wholesale (nhà buôn) về hàng hóa toàn cầu. Khi biết đây là chỗ đúng để quảng bá cà phê Việt Nam và tôi đã làm được. Và đó là thời điểm mà mọi người đánh giá đúng giá trị của cà phê Việt Nam.”

Về thương hiệu cà phê của riêng mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết King Coffee ra mắt tại Mỹ trước khi về Việt Nam, nữ doanh nhân cho biết thêm: “Khi tôi chọn tên King thì cũng có lý do của nó. Vua không phải là người có quyền lực nhiều mà phải là người chăm lo cho tất cả người dân. Bên cạnh đó, mình lựa chọn thị trường vua và nước Mỹ là một nước tiêu thụ cà phê rất lớn. Khi các bạn đã thành công ở nước Mỹ rồi thì các bạn có thể thành công ở các nước khác dễ dàng hơn”.

CEO Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ về 30 năm đòi “công bằng” cho Robusta Việt Nam: Quan trọng là sự kiên trì, khi bạn buông tay đồng nghĩa với việc đối thủ của bạn đang vượt lên- Ảnh 2.

Để đưa ra một lời khuyên cho những nhà khởi nghiệp nhất là những nhà khởi nghiệp là nữ, doanh nhân Diệp Thảo cho biết cái quan trọng là phải kiên trì. “Một điều tiên quyết là phải luôn đổi mới, gầy dựng và phát triển danh tiếng của bản thân mình. Một điều quan trọng nữa là sự kiên trì. Vì khi thời điểm khó nhất của thị trường mà bạn buông tay thì đồng nghĩa với việc bạn đang để đối thủ của mình vượt lên. Nếu lực lượng doanh nhân dồn hết tâm mình, cống hiến vì đất nước, chắc chắn đất nước mình sẽ thành công và phát triển rực rỡ trong tương lai.”