Chân dung tân Tổng thống Singapore

Admin

Đây là lần thứ ba người dân Singapore bỏ phiếu bầu Tổng thống của họ kể từ khi chế độ Tổng thống dân cử được giới thiệu ở “đảo quốc sư tử” vào năm 1991.

Cựu Bộ trưởng cấp cao Tharman Shanmugaratnam đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Singapore diễn ra hôm 1/9, với 70,4% phiếu bầu.

Trong khi đó, hai ứng viên còn lại là ông Ng Kok Song, Cựu Giám đốc Đầu tư của GIC, và ông Tan Kin Lian, cựu Giám đốc Điều hành NTUC Income, lần lượt nhận được 15,72% và 13,88% phiếu bầu.

Ông Tharman sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 9 của Singapore vào ngày 14/9, sau khi nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống Halimah Yacob kết thúc vào một ngày trước đó.

Thế giới - Chân dung tân Tổng thống Singapore

Kết quả chính thức bầu cử Tổng thống Singapore, ngày 1/9/2023, cho thấy ông Tharman Shanmugaratnam đã giành chiến thắng vang dội. Nguồn: Straits Times

Ngay cả trước khi kết quả chính thức được Cơ quan Bầu cử Singapore (ELD) công bố vào lúc 0h22 ngày 2/9, người chiến thắng trong cuộc đua “tam mã” để trở thành Tổng thống thứ 9 của “đảo quốc sư tử” đã rõ ràng.

Kết quả kiểm phiếu mẫu được công bố vào khoảng 22h40 ngày 1/9 cho thấy ông Tharman dẫn đầu với 70% phiếu bầu, trong khi ông Ng và ông Tan xếp sau với lần lượt 16% và 14% phiếu bầu.

Ông Tharman Shanmugaratnam, 66 tuổi, là một nhà kinh tế. Là người gốc Ấn Độ sinh ra ở Singapore, ông Shanmugaratnam chính thức phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình vào tháng trước với cam kết phát triển văn hóa đất nước để giữ cho quốc gia Đông Nam Á này là một “điểm sáng” trên thế giới.

Ông Tharman tham gia chính trường vào năm 2001. Ông đã phục vụ trong khu vực công và các vị trí cấp Bộ trưởng trong Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Singapore trong hơn 2 thập kỷ.

Ông cũng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ và với dự trữ ngoại hối của Singapore, ước tính lên tới hơn 2.000 tỷ đô la Singapore.

Ông Tharman từng giữ chức Phó Thủ tướng Singapore trong giai đoạn 2011-2019. Ông đã từ bỏ mọi chức vụ trong khu vực công và ngừng mọi hoạt động chính trị vào tháng 7 năm nay để ra tranh cử Tổng thống.

Ông kết hôn với bà Jane Yumiko Ittogi và có 4 người con.

Phát biểu với giới truyền thông tại trung tâm thương mại Taman Jurong ngay sau khi kết quả kiểm phiếu mẫu được công bố, ông Tharman cảm ơn người dân Singapore đã theo dõi chặt chẽ các vấn đề và tham gia một cách bình tĩnh trong suốt thời gian bầu cử Tổng thống, cũng như các ứng cử viên đồng nghiệp của ông đã “dành toàn bộ nỗ lực và sức lực cho các chiến dịch của họ và biến đây thành một cuộc chạy đua xứng đáng”.

“Cuộc bỏ phiếu này – nó không chỉ là cuộc bỏ phiếu cho tôi mà còn là cuộc bỏ phiếu cho tương lai của Singapore, một tương lai của sự lạc quan và đoàn kết”, ông nói. “Thực sự là vậy đó. Chiến dịch của tôi mang tính lạc quan và đoàn kết, và tôi tin đó là điều người dân Singapore mong muốn”.

Thế giới - Chân dung tân Tổng thống Singapore (Hình 2).

Ông Tharman Shanmugaratnam và phu nhân Jane Yumiko Ittogi tại trung tâm thương mại Taman Jurong sau khi kết quả kiểm phiếu mẫu được công bố, ngày 1/9/2023. Ảnh: CNA

Kết quả kiểm phiếu mẫu cho thấy cử tri đã bỏ qua những khác biệt chính trị khi bỏ phiếu cho ông Tharman trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 1/9, Phó Giáo sư Eugene Tan từ Trường Luật của Đại học Quản lý Singapore (SMU), cho biết.

“Việc hơn 2/3 số người Singapore đã bỏ phiếu cho ông Tharman (theo kết quả kiểm phiếu mẫu), điều đó có nghĩa là ông ấy sẽ nhận được phiếu bầu từ cử tri với mọi quan điểm chính trị, mặc dù đây không phải là một cuộc tranh cử chính trị. Quan trọng hơn, đây thực sự là sự đoàn kết của người dân Singapore”, Phó Giáo sư Eugene Tan nói trên chương trình truyền hình đặc biệt của Channel News Asia về cuộc bầu cử Tổng thống của đất nước.

Việc kiểm phiếu mẫu là dựa trên việc lấy mẫu 100 lá phiếu từ mỗi điểm trong số 1.264 điểm bỏ phiếu cho cuộc bầu cử này và được thực hiện khi bắt đầu kiểm phiếu ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa lúc 8h tối.

Các con số được cho là biểu thị tương đối kết quả có thể xảy ra của cuộc bầu cử, với các đợt kiểm phiếu mẫu trước đó thường có mức độ tin cậy là 95%, cộng hoặc trừ 4 điểm phần trăm.

Đây là lần thứ ba người dân Singapore bỏ phiếu bầu Tổng thống của họ kể từ khi chế độ Tổng thống dân cử được giới thiệu ở “đảo quốc sư tử” vào năm 1991. Cuộc bầu cử có cạnh tranh đầu tiên như năm nay đã diễn ra vào năm 1993 và năm 2011.

ELD khởi động việc kiểm phiếu mẫu trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2015 nhằm ngăn chặn sự suy đoán không cần thiết và sự phụ thuộc vào các nguồn thông tin không chính thức, trước khi tất cả các phiếu bầu được kiểm và kết quả cuối cùng được công bố.

Minh Đức (Theo CNA, Straits Times, NDTV)