Chánh án Nguyễn Hoà Bình: ‘Tôi mong muốn Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia’

Admin

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm vào chiều 18/9, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tại phiên họp, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao , khẳng định, các ý kiến đều có chỉnh sửa, tiếp thu và “hoàn toàn không có chuyện lồng ghép để có một lợi ích gì cục bộ ở đây”.

Liên quan đến Hội đồng Tư pháp quốc gia được đề xuất thay Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, ông Bình cho biết, kinh nghiệm quốc tế, không có một quốc gia nào có Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, chỉ có Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Theo ông, trước đây, Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia chỉ có một nhiệm vụ là tuyển chọn thẩm phán xong trình Quốc hội ký đối với thẩm phán tối cao và trình Chủ tịch nước đối với các thẩm phán thường.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình: ‘Tôi mong muốn Chủ tịch nước làm Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Bây giờ, có thêm nhiệm vụ là nếu có khiếu kiện gì về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đề bạt thì người ta kiện lên hội đồng này và hội đồng này sẽ là trọng tài để xử lý việc khiếu nại đó.

Ông Nguyễn Hoà Bình ví dụ, chánh án tỉnh điều động người đi vùng sâu, vùng xa vì “không nghe lời”, hay khen thưởng không đúng, kỷ luật không đúng, rồi dùng các quan hệ hành chính để tác động vào độc lập tư pháp thì phải có một cơ quan làm trọng tài.

“Chúng ta không làm được như tất cả các nước về chức năng của Hội đồng Tư pháp quốc gia như người ta đã làm, nhưng ít nhất chúng ta cũng làm việc ngăn cản được sử dụng quyền lực hành chính trong việc tác động vào quá trình xét xử, nếu như không đúng với thẩm quyền”, Chánh án cho hay.

Theo ông Bình, Nghị quyết 27 của Trung ương không quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia, nhưng khi làm luật, Chủ tịch nước và Trưởng ban Nội chính cũng đề nghị đưa vấn đề này vào để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận. Thậm chí các đồng chí còn đề nghị phương án là Chủ tịch nước làm chủ tịch hội đồng này, chứ không phải Chánh án. Trên thế giới, có nước tổng thống, cũng có nước thì chánh án làm chủ tịch hội đồng này.

"Chúng tôi ban đầu cũng đưa phương án 1 là Chủ tịch nước, nhưng các cơ quan tham gia nói Hiến pháp không quy định về việc này. Cho nên để ổn định Hiến pháp thì giao cho Chánh án. Nếu như giao Chánh án thì tôi làm, còn mong muốn của tôi là Chủ tịch nước. Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc”, ông Nguyễn Hoà Bình nêu.

Theo cơ quan trình dự án, dự thảo luật đưa ra quy định thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; đồng thời, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các toà án nhân dân; bảo vệ thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia là một vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nghị quyết 27 và Hiến pháp 2013 đều không quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia. Do đó đề nghị không thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.