Mercedes-Benz không kỳ vọng doanh số bán hàng của mình ở châu Âu sẽ hoàn toàn đến từ xe điện vào năm 2030 nhưng sẽ có sẵn dòng sản phẩm, CEO Ola Kaellenius cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 4/9, bên lề Triển lãm Ô tô Quốc tế IAA Mobility 2023 ở Munich, Đức.
“Gã khổng lồ” xe hơi Đức từ lâu đã đặt mục tiêu bán xe thuần điện vào năm 2030 “khi thị trường cho phép”, cho biết rằng cuối cùng khách hàng sẽ là người quyết định họ muốn sản phẩm nào. Mercedes-Benz cũng chỉ ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Thị trường xe điện châu Âu đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng có thể sẽ chưa sẵn sàng cho việc kinh doanh xe thuần điện vào năm 2030, ông Kaellenius cho biết.
“Rõ ràng là nó sẽ không đạt 100% vào năm 2030… từ toàn bộ thị trường châu Âu, nhưng có lẽ cũng từ phía Mercedes”, ông nói.
“Chúng tôi sẽ sẵn sàng… nhưng chúng tôi cũng sẽ có sự linh hoạt về mặt chiến thuật”, vị CEO cho biết, đề cập đến khả năng sản xuất xe điện hoặc xe động cơ đốt trong trên cùng một dây chuyền sản xuất.
Nhận xét của ông Kaellenius thể hiện sự thận trọng ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu về việc tăng quy mô sản xuất và sử dụng xe điện khi các thời hạn pháp lý hạn chế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang đến gần.
CEO của BMW Oliver Zipse cho biết tại một hội nghị bàn tròn hôm 2/9 rằng không phải tự dưng các nhà lập pháp của EU lại ấn định thời hạn năm 2026 để xem xét lệnh cấm ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035. Thay vào đó, rõ ràng họ đã dự tính được một sự chậm trễ nào đó trong việc đạt được mục tiêu “khai tử” ngành kinh doanh xe chạy bằng động cơ đốt trong ở châu Âu trong thập kỷ tới.
Trong khi đó, CEO của Volkswagen Oliver Blume cho biết công ty sẽ sẵn sàng cho lệnh cấm.
Doanh số bán xe điện ở châu Âu đã tăng gần 55% trong 7 tháng đầu năm 2023, lên khoảng 820.000 xe, chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán ô tô ở “lục địa già”.
Tuy nhiên, các vị CEO đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với các rào cản sản xuất và kinh doanh xe điện trên quy mô lớn hơn với giá cả cạnh tranh, bao gồm giá điện cao cũng như thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Ở thị trường Trung Quốc, CEO của Mercedes-Benz Kaellenius cho biết ông dự kiến quá trình chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện ở phân khúc cao cấp – vốn không được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ như sản xuất ô tô số lượng lớn – sẽ mất “nhiều năm”.
“Từng bước một, chúng ta phải chuyển đổi thị trường”, ông Kaellenius nói, cho biết thêm rằng tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược của Mercedes-Benz tại thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu về lâu về dài.
Volkswagen cũng đang có những động thái nhằm cải thiện vị thế của mình tại Trung Quốc. Tháng trước, hãng xe hơi Đức tuyên bố sẽ đầu tư 700 triệu USD để mua gần 5% cổ phần của XPeng, một công ty khởi nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất xe điện, nhằm nỗ lực giúp bản thân đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc rộng lớn.
IAA Mobility 2023, được tổ chức từ ngày 5-10/9 tại Munich, Đức, là một trong những sự kiện được mong đợi và có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Triển lãm hàng đầu này quy tụ các nhà sản xuất ô tô, những người đam mê loại phương tiện 4 bánh và nhà đổi mới từ khắp nơi trên thế giới.
Một trong những điểm nổi bật quan trọng khi các thương hiệu xe hơi toàn cầu hội tụ tại Munich là xe điện. Một số nhà sản xuất ô tô đã trưng bày các mẫu xe điện mới nhất của họ tại sự kiện này.
Ngoài ra, Triển lãm Ô tô Munich cũng giới thiệu những tiến bộ trong công nghệ lái xe tự động. Các nhà sản xuất ô tô đã giới thiệu các nguyên mẫu xe tự hành của họ và thể hiện khả năng di chuyển trên đường phố và đường cao tốc trong thành phố mà không cần sự can thiệp của người lái. Công nghệ này có tiềm năng cách mạng hóa tương lai của giao thông vận tải và cải thiện an toàn đường bộ.
Minh Đức (Theo Reuters, Energy Portal)