Chỉ mất hơn 3 giờ để đi từ Hà Nội vào Nghệ An nhờ thông tuyến cao tốc

Admin

Việc hoàn thành các dự án thành phần từ Ninh Bình - Nghệ An tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050km.

Ngày 8/9, Bộ GTVT tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86km. 

Đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 8 dự án thành phần (1 dự án BOT, 7 dự án đầu tư công) với chiều dài 518km. 

Còn 3 dự án đang triển khai, trong đó: cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành năm 2023; 2 dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành năm 2024.

Sự kiện - Chỉ mất hơn 3 giờ để đi từ Hà Nội vào Nghệ An nhờ thông tuyến cao tốc

 Đoạn cao tốc Bắc - Nam từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km (Ảnh: Phạm Tùng).

Riêng, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).

Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn QL45 - Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư.

Đến nay cả 4 đoạn đều đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết hoàn thành đoạn cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An đã góp phần nối dài liền mạch cao tốc của cả nước.

Cụ thể, việc hoàn thành các dự án thành phần từ Ninh Bình - Nghệ An tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050km; góp phần nối thông tuyến đường cao tốc từ Hà Nội - Nghệ An dài 251km, rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây.

"Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác 649km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến thời điểm hiện nay là 1.822km," ông Thắng nói.

Sự kiện - Chỉ mất hơn 3 giờ để đi từ Hà Nội vào Nghệ An nhờ thông tuyến cao tốc (Hình 2).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. 

Người đứng đầu ngành giao thông cũng nhấn mạnh kết quả này là cả quá trình nỗ lực của các đơn vị thi công, nhà thầu vượt qua nhiều thách thức, khó khăn trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội không thể huy động nhân sự, máy móc vào công trường; địa hình địa chất phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao, tình hình tài chính của các doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng dịch; thiếu hụt nguồn vật liệu...

Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã không quản ngại khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế hiện trường, với tinh thần “hăng say lao động”, “vượt nắng, thắng mưa”, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết trên công trường và sự ủng hộ tích cực của nhân dân khu vực dự án, kịp thời hoàn thành các hạng mục là đường găng của dự án như công trình hầm, cầu lớn, xử lý nền đất yếu..., góp phần quan trọng đưa dự án vào khai thác đúng theo kế hoạch.

Đặc biệt, dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, Tp.HCM và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc theo đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.