Gia đình chị Châu Thị Nương vốn nhiều năm gắn bó với đồng ruộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc canh tác lúa gặp khó. Nguyên nhân là do giá cả biến động thất thường; công ty không mua hết lúa cho nông dân, nếu có mua thì tiến độ rất chậm. Thêm vào đó, thương lái ép giá, nông dân lợi nhuận thấp, cứ rơi vào vòng luẩn quẩn "trúng mùa, mất giá". Vì vậy, gia đình chị Nương quyết định lựa chọn hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Theo báo An Giang, năm 2020, gia đình chị mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, diện tích trên 1ha. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, chị lắp đặt 3.192 tấm pin năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí đầu tư, lắp đặt hệ thống khoảng 14 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn được hỗ trợ 10 tỷ đồng (chiếm hơn 70%). Khi dự án hoàn thành, nguồn điện năng lượng mặt trời được gia đình chị bán lại cho công ty điện lực địa phương. Mỗi tháng, họ thu khoảng 300 triệu đồng.
Cũng trong năm 2020, thông qua báo, đài chị nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất "nóng", khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng vì thực phẩm bẩn. Từ thực tế đó, chị nảy sinh ý tưởng sản xuất nông sản sạch, có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe để cho gia đình sử dụng và cung ứng ra thị trường.
Sau thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị quyết định chọn nấm mối đen để khởi nghiệp. "Tôi có tìm mua ăn thử nấm mối đen, thấy loại nấm này vừa ngon vừa có nhiều dinh dưỡng. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL có thế mạnh về trồng lúa nên lượng rơm thải ra sau thu hoạch rất lớn, không sợ thiếu cơ chất trồng nấm. Đặc biệt, khí hậu vùng Bảy Núi cũng rất thích hợp cho việc trồng loại nấm này nên quyết tâm khởi nghiệp", chị Nương chia sẻ với báo Cần Thơ.
Vốn là "tay ngang" trong việc sản xuất nấm mối đen nên chị kiên trì mày mò nghiên cứu, học tập từ giảng viên chuyên ngành nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học An Giang để nắm rõ đặc tính sinh trưởng, dây chuyền sản xuất phôi nấm mối đen.
Trong thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm, cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo, máy móc thiết bị thiếu nên nấm nhiễm bệnh, đem bỏ không đếm xuể. Nhờ kiên trì học hỏi và khắc phục dần đã mang lại thành công, giúp năng suất nấm tăng qua mỗi vụ.
Chị Nương mạnh dạn mở rộng trại nấm khi đầu tư hệ thống trại sản xuất nấm, điện năng lượng mặt trời áp mái, diện tích hơn 1ha. Tất cả nguyên liệu sử dụng làm phôi nấm hoàn toàn hữu cơ. Ngoài rơm rạ được băm nhuyễn, chỉ sử dụng cám gạo, cám bắp. Tất cả đều được kiểm tra đầu vào nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Nấm mối đen có thể trồng quanh năm theo mô hình khép kín. Từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng gần 4 tháng. Nhưng đòi hỏi kỹ thuật từ khâu xử lý phôi nấm đến khâu nuôi trồng phải đảm bảo sạch hoàn toàn. Nấm có thể cho thu hoạch mỗi ngày.
"Chu kỳ sinh trưởng của các loại nấm ăn và dược liệu tương đối ngắn, khoảng 4 tháng/vụ. Nhờ đó, giúp quay vòng nguồn vốn nhanh, có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào khi thời tiết không thuận lợi, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất nên dễ dàng tiếp cận và trồng nấm", chị Nương nói.
Được biết, ngoài nấm mối đen, cơ sở cũng trồng thêm nấm linh chi nhằm đa dạng sản phẩm. Hiện mỗi tháng, chị xuất ra thị trường gần 3 tấn nấm các loại. Nấm mối được bán với giá 250.000 đồng/kg, nấm linh chi có giá từ 1,5-2 triệu đồng/kg. Đem lại thu nhập mỗi năm lên đến gần 900 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo quy trình sạch nên nấm mối và nấm dược liệu được xuất đi nhiều nơi, như: An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tp. Cần Thơ…
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng nấm của người dân tăng cao, thị trường ngày càng lớn. Kỹ thuật trồng đơn giản, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có; thu hoạch sớm, giá bán cao nên gia đình chị Nương nhân rộng mô hình tại phường Thới Sơn (TX. Tịnh Biên), diện tích 1,5ha. Từ việc trồng nấm, gia đình chị Nương tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, vào lúc cao điểm, chị Nương phải thuê thêm từ 20 - 30 lao động, thù lao 250.000 - 300.000 đồng/ngày.
Trồng nấm nói riêng, phát triển sản xuất nông nghiệp dưới công trình điện mặt trời nói chung đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Không chỉ giúp tăng giá trị sử dụng đất, mô hình còn tạo cơ hội cho nông dân thêm thu nhập, tiếp cận nguồn năng lượng sạch và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.
Minh Hoa (t/h)