“Chiến thần livestream” Phạm Thoại kể chuyện từng vào “danh sách đen” của tất cả các nhãn hàng: “Tại sao người ta nổi tiếng có thêm công việc, còn mình thì không?”

Admin

“Phạm Thoại không phù hợp” – lời từ chối của nhãn hàng khiến nhà sáng tạo nội dung trẻ quyết định thay đổi, tiết chế bản thân để phù hợp với số đông.

Bắt đầu livestream từ năm 2021, đến nay, Phạm Thoại có khoảng 5 triệu lượt theo dõi và hơn 143 triệu lượt thích, trở thành nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết (affiliate creator) được nhiều nhãn hàng và khán giả quan tâm.

Tại tập 8-9 trong series Nghề chủ chốt, Phạm Thoại lần đầu chia sẻ về hành trình gắn bó với nghề livestream và đưa ra lời khuyên giúp các nhà sáng tạo nội dung trẻ giữ chân khách hàng trong suốt phiên live có thể kéo dài hàng chục giờ đồng hồ.

Phạm Thoại: Từ bị tẩy chay đến chiến thần livestream

Kể về thời điểm bắt đầu vào TP HCM, gắn bó với nghề livestream, Phạm Thoại miêu tả quãng thời gian đó bằng tính từ “nổi loạn”. Nhà sáng tạo nội dung này kể, khi đó, anh định nghĩa nổi tiếng là phải lố, được nhiều người biết đến. Nổi tiếng sẽ giúp anh dễ dàng, thuận lợi hơn trong công việc bán hàng.

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. “Đã có lúc tôi ở trong ‘blacklist’ của tất cả các nhãn hàng. Không có bất cứ một nhãn hàng hay angency nào liên hệ. Tại sao người khác nổi tiếng thì có công việc, còn mình thì không?”, 9X kể.

Thậm chí, khi nhà sáng tạo nội dùng này chủ động liên hệ với các nhãn hàng, câu trả lời vẫn là không. Nhớ lại, 9X cho biết từng có nhãn hàng thẳng tay tuyên bố: Phạm Thoại không phù hợp.

Một nguyên nhân khác dẫn đến quyết định thay đổi theo hướng điềm tĩnh hơn còn xuất phát từ một bình luận trên mạng xã hội. Người này phê phán nhà sáng tạo nội dung 9X không tiết chế ngôn từ, cảm xúc, có thể để lại hệ lụy cho những đứa trẻ.

“Mình nghĩ đến lúc cần phải xem lại bản thân. Sự nổi loạn chỉ phù hợp với cá nhân, nhưng khi trở thành nhà sáng tạo làm nội dung cho mọi người xem, tôi cần chỉnh đốn”, Phạm Thoại nói.

“Chiến thần livestream” Phạm Thoại kể chuyện từng vào “danh sách đen” của tất cả các nhãn hàng: “Tại sao người ta nổi tiếng có thêm công việc, còn mình thì không?”- Ảnh 1.

Quyết định chỉnh đốn bản thân, Phạm Thoại bắt đầu thay đổi cách ăn mặc theo hướng đẹp, chỉn chu hơn nhưng vẫn giữ được chất riêng. Nhà sáng tạo này cũng tiết chế hơn trong cách sử dụng ngôn từ, bình tĩnh và dần dần học hỏi mỗi ngày.

Anh tâm sự: “Khi có người khen tôi thấy bản thân có sự chuyển mình. Ngày hôm trước có 10 người người chửi, hôm sau còn 9, vậy là đã chuyển mình rồi”.

Từ một KOL kiếm tiền nhờ lượt view và hợp đồng quảng cáo, khi TikTok mở chức năng livestream bán hàng, Phạm Thoại không đứng ngoài cuộc.

Ở phiên livestream đầu tháng 1/2023, Phạm Thoại đã lập kỷ lục với 3 triệu lượt xem, 22 triệu lượt yêu thích và đạt gần 50.000 đơn hàng trong 12 tiếng. Livestream bán hàng trở thành một trong những nguồn thu nhập khủng của Phạm Thoại và ekip. Ở tuổi 28, anh chàng 9X đã có tài sản khiến nhiều người mơ ước.

Công thức xây dựng phiên live “triệu view” của Phạm Thoại

Không chỉ kể về con đường đến với nghề livestream, Phạm Thoại còn chia sẻ cách thức xây dựng nội dung, chuẩn bị cho các phiên live.

Theo anh, để có một buổi live chất lượng, nhà sáng tạo và ekip phải chuẩn bị hàng tháng trời. Công việc không chỉ dừng lại ở việc cầm sản phẩm, thông báo giá mà kiêm cả quá trình lên ý tưởng, xây dựng kịch bản và điều chỉnh sao cho "hợp trend".

“Chiến thần livestream” Phạm Thoại kể chuyện từng vào “danh sách đen” của tất cả các nhãn hàng: “Tại sao người ta nổi tiếng có thêm công việc, còn mình thì không?”- Ảnh 2.

Khi bắt đầu phiên livestream, Phạm Thoại khuyên các nhà sáng tạo trẻ hãy giữ nét đặc trưng cho mình khi làm nội dung, đặc biệt là yếu tố giải trí.

Điển hình là việc anh tạo ra những chương trình livestream mang tính độc đáo, phá cách và thu hút bằng các xu hướng mới. Anh cho biết, mỗi nhà sáng tạo nên tự tìm kiếm phong cách, biến những ý tưởng học hỏi thành của riêng mình để tạo nên dấu ấn cá nhân.

"Trong mọi phiên livestream của tôi, khán giả thường nhận xét tôi 'làm khùng làm điên', nhưng đó là cách tôi tạo không khí thoải mái. Người xem có thể mua hoặc không, nhưng nếu họ nán lại xem, đó đã là thành công", anh nói.

Phạm Thoại không chỉ xem livestream là nơi để bán hàng mà còn là sân khấu để truyền tải giá trị giải trí, nhằm tạo sự cân bằng và giữ chân người xem.

"Một phiên livestream thành công không chỉ nằm ở việc bán được nhiều sản phẩm mà còn ở khả năng tạo nên những khoảnh khắc vui vẻ, giúp khán giả có những giây phút thư giãn sau giờ làm việc", Phạm Thoại nói.