Chính phủ đề xuất đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng để VCB tăng vốn điều lệ

Admin

Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều nay (24/9) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trình bày về sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là rất cấp thiết vì việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 phù hợp với chủ trương được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ. Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp VCB có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với NSNN.

“Đây là điều kiện cần thiết để Vietcombank có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu TCTD yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế”, Thống đốc phát biểu.

Số liệu BCTC riêng lẻ đã kiểm toán, tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của VCB trong giai đoạn 5 năm (2019-2023) cho thấy: Tổng tài sản tăng trưởng với mức bình quân từ 10,6%/năm đến 14,6%/năm; Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 là 0,99%; Lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 26%/năm. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu (ROA, ROE) bình quân ở mức xấp xỉ ở mức 1,6% và 23%. Nhiều năm gần đây, VCB được Chủ sở hữu (NHNN) đánh giá xếp loại A.

Về thực trạng vốn tự có và nhu cầu vốn tự có của VCB, theo báo cáo của VCB, tỷ lệ An toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của VCB tại 31/12/2023 là 11,05%, CAR hợp nhất của VCB là 11,39%. Tỷ lệ này hiện đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 138 Luật Các TCTD. Tuy nhiên, tính toán này bao gồm cả phần lợi nhuận mà VCB đang giữ lại sau khi đã nộp thuế và trích lập các quỹ luỹ kế đến 2018 và giai đoạn 2021-2023. Nếu phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với nguồn lợi nhuận này thì tỷ lệ CAR giảm xuống mức 6,28%, thấp hơn mức quy định của Luật các TCTD. Đây vẫn đang là mức thấp so với các NHTM cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á.

Với vai trò định hướng là chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc áp dụng công nghệ, năng lực quản trị tiên tiến, chủ động hội nhập quốc tế, VCB hướng tới mục tiêu CAR đạt 12% năm 2024, 13% năm 2025 và 13,5% năm 2026.

Nếu CAR mục tiêu đạt 13,5% vào năm 2026, VCB được sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 (27.666 tỷ đồng) để trả cổ tức bằng cổ phiếu và dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng, tài sản khoảng 9-15,93%; VCB xác định mức vốn tự có cần đạt được vào cuối năm 2026 là 300.801 tỷ đồng. Với nền tảng tài chính hiện có và dự kiến kết quả kinh doanh mang lại trong giai đoạn 2024 - 2026 như trên, VCB có thể tự thân tích lũy và đạt mức vốn tự có cuối năm 2026 là 182.635 tỷ đồng. Như vậy, mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 để đảm bảo mức CAR nêu trên là: 118.166 tỷ đồng.

Trường hợp VCB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì chia bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại 27.666 tỷ đồng thì mức tăng trưởng tín dụng, tài sản của VCB chỉ khoảng 7% - 11%, để CAR mục tiêu đạt 13,5% năm 2026, mức vốn tự có cần đạt được đến cuối năm 2026 của VCB là 277.739 tỷ đồng; vốn tự có tự thân mang lại giai đoạn 2024-2026 là 152.304 tỷ đồng; mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 là 125.435 tỷ đồng.

Từ nhu cầu cấp thiết về vốn tự có nêu trên, VCB đã nghiên cứu các nguồn bổ sung vốn tự có như phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ; phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ và phát hành trái phiếu tăng vốn không khả thi. Vì vậy, ở thời điểm này, VCB đề xuất cho phép được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo báo cáo của VCB, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB là 27.702 tỷ đồng (tương đương 49,564% vốn điều lệ). VCB đề xuất được tăng vốn điều lệ từ các nguồn trên với số tiền 27.666 tỷ đồng để đảm bảo tỷ lệ làm tròn tỷ lệ 49,5%. Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào các đợt phát hành sau. Vốn điều lệ hiện nay của VCB là 55.891 tỷ đồng. Sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của VCB là 83.557 tỷ đồng.

Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng (làm tròn). Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VCB. Số liệu trên đã được Kiểm toán xác nhận khi kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 của VCB. Do vậy, Chính phủ thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại VCB là 20.695 tỷ đồng.

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, Thống đốc cho biết, phần vốn điều lệ tăng thêm VCB dự kiến sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc (9.526 tỷ đồng), đầu tư cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số (17.155 tỷ đồng); mở rộng hoạt động kinh doanh (985 tỷ đồng).

Với kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm như trên tỷ lệ đầu tư tài sản cố định của VCB tương đương 38% tổng vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của VCB, đảm bảo thấp hơn mức tối đa 50% theo quy định.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VCB sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội: VCB mở rộng hoạt động tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của VCB trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tỷ lệ CAR theo quy định; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm.

Tại khoản 1 Điều 13 và khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “Thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng Đồng Việt Nam (khoản 1 Điều 13); nguồn thu của ngân sách trung ương bao gồm “thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần” (khoản 1 Điều 35). Như vậy, phần cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt tại công ty cổ phần được xác định là khoản thu của NSNN.

“Phần lợi nhuận còn lại luỹ kế đến năm 2018 và năm 2021 của VCB là lợi nhuận còn lại sau khi nộp thuế, trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, hiện được hạch toán, theo dõi tại VCB và không phải ghi nhận vào thu NSNN theo quy định của Luật NSNN; do vậy, nguồn vốn VCB đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến NSNN”, Thống đốc trình bày.

Căn cứ các nội dung nêu trên, căn cứ Luật 69/2014/QH13 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ kính đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với nội dung:

1- Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại VCB với số tiền 20.695.100.980.000 đồng. Nguồn vốn đầu tư bổ sung: Từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB.

2. Trình tự, thủ tục Quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 được thực hiện theo quy định tại Luật 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn./.