Vài năm trở lại đây, hàng trăm chung cư mini lớn nhỏ len lỏi mọc lên khắp các ngõ phố ở Hà Nội. Với lượng dân cư đông đúc và diện tích hạn hẹp, các chung cư mini là loại hình nhà ở được nhiều người lựa chọn vì giá thành hợp lý và tiện lợi trong nhiều hoạt động sống. Tuy nhiên, việc xây dựng trên diện tích nhỏ, nằm sâu trong ngõ với quy mô từ 5 -10 tầng gặp nhiều vấn đề trong quản lý PCCC.
Nhiều chủ đầu tư tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, có sở vật chất phòng cháy chữa cháy chưa được đầy đủ nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Vào đêm ngày 12/9, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở chung cư mini 9 tầng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, có diện tích khoảng 200m2, với khoảng 150 người dân sinh sống.
Theo thống kê, hậu quả của vụ cháy thảm khốc cướp đi tính mạng của 56 người, 37 người bị thương hiện đang được chăm sóc tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, đồng thời toàn bộ tài sản trong tòa chung cư bị hủy hoại hoàn toàn.
Việc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ cũng đã được nâng cao khi ngày càng có nhiều vụ cháy nổ xảy ra tại thành phố. Tuy nhiên, sau vụ cháy chung cư mini thảm khốc khiến 56 người tử vong, nhiều chủ chung cư mini đã có hành động quản lý quyết liệt hơn trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Anh N.V.Đ. sống tại Thanh Xuân có tòa chung cư mini cho thuê tại phố Quan Nhân, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân cho biết:
"Tại tòa nhà cho thuê, tôi luôn có nhóm chung để thông báo và nhắc nhở các vấn đề về đảm bảo an toàn an ninh, phòng cháy chữa cháy. Trước kia đã có rất nhiều trường hợp đăng tải trên mạng xã hội cho thấy chỉ vài hành động nhỏ như quên rút dây sạc, chập bóng điện, quên rút điện bếp từ đã mang đến hậu quả khôn lường.
Dù diện tích khu để xe nhỏ, nhưng anh N.V.Đ đã trang bị hàng chục quả bóng cứu hoả tại khu vực để xe. Bên cạnh mỗi phòng đều trang bị bình cứu hoả.
Tôi luôn quán triệt các phòng cho thuê, không sạc điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm và chỉ sạc khi có mặt ở nhà, không sạc xe điện và bỏ đấy đi ra ngoài. Hơn nữa mỗi phòng đều có bình cứu hoả, dưới tầng để xe chung đều có bóng cứu hoả".
Tương tự, chị N.T.N.A. có chung cư mini cho thuê tại khu vực Láng Hạ và một chung cư mini 7 tầng tại phường Nhân Chính chia sẻ: "Nhà tôi cũng ở chung luôn tại đây nên việc quản lý cũng dễ hơn. Các phòng dù diện tích nhỏ tại ban công cũng đều có cửa thoát hiểm. Khu vực thang bộ luôn được dọn dẹp sạch sẽ, tránh để đồ lộn xộn. Các bình cứu hoả đặt tại cửa mỗi phòng. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích các phòng không sử dụng bếp ga, bếp từ sau khi sử dụng phải tắt điện luôn".
Sau vụ cháy nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong tại chung cư mini Khương Hạ, anh Đ. và chị N.A đều cương quyết đưa ra quyết định, người trọ tại đây không sử dụng xe điện, nếu sử dụng thì đi gửi ở nơi khác. Anh Đ. tâm sự:
"Diện tích nhà phố vốn đã hạn hẹp, khu vực để xe cũng không được rộng rãi. Trước kia cũng có bạn đi xe điện hay sạc điện, dù đêm hay ngày thì cũng có thể tiềm ẩn nguy hiểm. Các xe máy để cạnh nhau đã chật trội rồi, chỉ cần tàn thuốc lá cũng có thể xảy ra chuyện. Tôi đã thông báo không tiếp nhận xe đạp điện hay xe máy điện. Ngoài ra, mỗi phòng cũng phải giới hạn xe, kể cả đông người".
Khi được hỏi về việc sử dụng xe điện tại chung cư mini, bạn T.M. (sinh năm 1997) cho hay: "Em cùng bạn thuê chung cư mini tại đây vừa gần chỗ làm giá cả cũng phải chăng, mỗi đứa một xe máy, tuy nhiên tại chỗ em ở cũng có bạn đi xe đạp điện, hay để sạc điện qua đêm. Em cũng phản ánh điều này với anh chị chủ. Hiện tại thì tại tầng 1 để xe không có phòng nào sử dụng xe điện cả."
Bạn N.H sống tại tầng 5 một tòa chung cư mini tại Nhân Chính cho biết: "Mình thường xuyên chia sẻ các video xảy ra tình trạng xe đạp điện sạc qua đêm bị nổ vào nhóm chung của tòa nhà, để nhắn nhủ mọi người cẩn trọng. Đồng thời, chị anh chị chủ nhà cũng thường xuyên nhắc nhở và kiểm tra tình trạng điện và các dịch vụ trong khu nhà nên khá yên tâm. Ở chỗ mình, phòng nào cũng có cửa thoát hiểm và bình cứu hỏa.
Ở chỗ mình khu để xe rất nhỏ, nhiều xe to để chiếm chỗ, như thế cũng rất bất tiện. Tuy nhiên, việc mình ái ngại hơn là có một số bạn đi xe đạp điện và máy điện, đối với mình thì loại xe này khi sạc cũng rất nguy hiểm, mình nghĩ anh chị chủ cấm cũng đúng, vì an toàn là trên hết mà".
Trên thực tế, các loại xe điện tràn lan trên thị trường thường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện giá rẻ sử dụng pin (hay ắc quy) và bộ sạc không có thương hiệu, giá rẻ. Chưa kể, nhiệt độ môi trường khi sạc điện cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bốc cháy hoặc phát nổ.
Phần lớn các xe đạp điện đều sử dụng pin lithium-ion có thể sạc lại, loại pin này cũng cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh, tai nghe và máy tính xách tay. Tất cả các loại pin này đều dễ phát nổ khi bị hỏng, sạc quá mức hoặc nhiệt độ cao. Loại pin dùng cho xe đạp điện hay xe máy điện lớn hơn hàng trăm lần so với các thiết bị điện tử nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao và lửa sẽ lan nhanh.
Ngoài ra, không phải loại xe điện nào cũng có thể tháo rời pin để sạc. Loại xe điện dùng pin hay ắc quy đạt chuẩn thì giá thành đắt đỏ, với những dòng trôi nổi tuổi thọ và độ bền kém, dẫn đến đoản mạch hoặc quá nhiệt gây cháy nổ rất nguy hiểm. Đây cũng là lý do nhiều chủ chung cư, căn hộ, chung cư mini quyết liệt cấm sạc xe điện tại hầm hoặc khu vực để xe.