Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu?

Admin

Sau nhiều vụ hoả hoạn, nhiều gia đình đã chủ động tìm hiểu và tự trang bị trong nhà mình những thiết bị phục vụ cho công việc PCCC.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp. Trong 8 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy, gây nhiều thiệt hại về người và của. Trong đó, hơn 60% vụ là cháy nhà dân, nhất là loại hình nhà dân kết hợp vừa để ở vừa sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ. 

Thông thường khi xảy ra các đám cháy tại hộ gia đình, người dân sẽ khẩn trương liên lạc tới lực lượng chức năng, lực lượng PCCC và CNCH. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc này là chưa đủ. 

Nước ta có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nhà cao tầng, mạng lưới giao thông đô thị nhỏ hẹp, bị cản trở, nhiều ngõ ngách sâu. Điều này vô tình có thể ảnh hưởng đến quá trình di chuyển cơ động của các loại phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra. 

Chính vì vậy tốt hơn hết, mỗi gia đình, mỗi hộ dân, nên chủ động trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy ngay trong nhà mình để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Từ đó kịp thời khắc phục sự cố và hạn chế các thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Một số thiết bị phòng cháy chữa cháy cho gia đình (Ảnh minh họa)

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, cần những gì?

Các thiết bị thiết bị phòng cháy chữa cháy được chia thành các nhóm là nhóm thiết bị phòng cháy, nhóm thiết bị chữa cháy và nhóm thiết bị thoát nạn.

Thiết bị phòng cháy

Đầu tiên là với nhóm các thiết bị phòng cháy, hiện nay có 2 dòng được ứng dụng phổ biến, đó là: Hệ thống báo cháy có dây và hệ thống báo cháy không dây. Hệ thống báo cháy có dây gồm: tủ trung tâm; thiết bị cảm biến báo cháy khói, nhiệt, nút ấn bằng tay; thiết bị cảnh báo như chuông, còi đèn,… Hệ thống này hoạt động nhờ điện lưới có sẵn trong mỗi hộ gia đình. Ưu điểm là giá thành rẻ, có nhiều sản phẩm phổ dụng trên thị trường.

Tuy nhiên, hệ thống này lắp đặt phức tạp, phát sinh thêm chi phí nhân công và thiết bị phụ kiện kèm theo để đi dây dẫn. Hệ thống này phù hợp với nhà mới xây, nhà nhiều tầng, nhiều phòng, chung cư mini, nhà trọ,…

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu? - Ảnh 2.

Hệ thống báo cháy có dây phù hợp với các tòa nhà cao tầng, chung cư,... (Ảnh minh họa)

Tiếp đến là hệ thống báo cháy không dây, gồm các thiết bị độc lập như: thiết bị cảm biến khói nhiệt, bộ xử lý trung tâm, thiết bị cảnh báo, chúng sẽ liên kết với nhau bởi tín hiệu không dây. Hệ thống hoạt động bằng pin và tuổi thọ có thể tới 5 năm. Trong tình huống xảy ra hoả hoạn, hệ thống báo cháy không dây còn có thể gửi thông tin tới ứng dụng quản lý trên điện thoại di động hoặc tự động quay số báo cho chủ nhà. 

Với ưu điểm giá thành không quá đắt, lắp đặt nhanh chóng, lại không ảnh hưởng tới thẩm mỹ chung của không gian, hệ thống báo cháy không dây được đánh giá vô cùng thích hợp với các công trình dân sinh, nhà ở, cửa hàng hay văn phòng quy mô nhỏ.

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu? - Ảnh 3.

Hệ thống báo cháy không dây có nhiều loại đầu dò cho các gia đình lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra hệ thống báo cháy không dây còn có nhiều loại đầu báo cháy, cơ bản nhất là đầu báo nhiệt và đầu báo cảm biến khói.Đầu báo nhiệt sử dụng cảm biến nhiệt để phát hiện đám cháy, hoạt động dựa theo sự gia tăng nhiệt độ và ngưỡng nhiệt cố định để phát hiện cháy. 

Đầu báo nhiệt thường được chế tạo theo hai nhóm A, B. Nhóm A có nhiệt độ cố định khoảng 60 độ C và nhóm B có nhiệt độ cố định khoảng 80 độ C. Các gia đình lựa chọn loại đầu báo dựa vào mức nhiệt độ lớn nhất của khu vực cần bảo vệ, tuy nhiên ngưỡng nhiệt độ báo động phải lớn hơn 20 độ C. Còn đầu báo cảm biến khói sử dụng cảm biến phân tích, xác định khói trong thành phần không khí để đưa ra cảnh báo cháy.

Việc lựa chọn đầu báo nhiệt hay đầu báo cảm biến khói cũng phụ thuộc vào vị trí lắp đặt trong gia đình. Ví dụ như khu vực bếp hay phòng khách thường có khói trong quá trình nấu nướng hay khói thuốc lá nên ưu tiên lắp đầu báo nhiệt, để tránh trường hợp báo cháy giả. Những căn phòng khác trong nhà thì có thể lắp đầu báo cảm biến khói.

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu? - Ảnh 4.

Đầu báo cháy cảm biến khói (Ảnh minh họa)

Về giá thành, các loại đầu báo cháy hiện nay được bán trên thị trường với giá thành dao động từ 150.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trước khi “xuống tiền”, gia chủ nên tham khảo, kiểm tra kỹ để lựa chọn được thiết bị cũng như đơn vị phân phối uy tín, đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh hệ thống báo cháy, giúp cảnh báo nguy cơ sự cố đến các thành viên trong gia đình một cách nhanh chóng nhất, nhóm các thiết bị hỗ trợ công việc chữa cháy và thoát nạn cho người dân cũng vô cùng cần thiết. Có thể kể tới như các loại bình chữa cháy, thang dây, dây thoát hiểm, mặt nạ chống khói, búa chuyên dụng… 

Thiết bị chữa cháy

Phổ biến và biết tới nhiều nhất là các loại bình chữa cháy, bao gồm bình chữa cháy dạng bột, bình CO2 và bình mini. 

Cụ thể, bình chữa cháy dạng bột thường được chia thành nhiều loại, được kỹ hiệu bằng các chữ cái A,B,C,... để để chữa cháy các vật liệu có đặc tính khác nhau. Ví dụ bình ký hiệu A để chữa cháy chất rắn), ký hiệu B để chữa cháy chất lỏng, ký hiệu C để chữa cháy chất khí). 

Có cả loại bình mang ký hiệu BC. Loại bình này sẽ dập được đám cháy do chất lỏng hoặc chất khí gây ra, bình ký hiệu ABC sẽ dập được cả 3 loại đám cháy.

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu? - Ảnh 5.

Đa dạng các loại bình chữa cháy hiện nay (Ảnh minh họa)

Còn với bình chữa cháy dạng bột, loại bình này sẽ được sản xuất theo trọng lượng 4-6-8-35kg và có 2 dạng là bình chữa cháy và quả cầu chữa cháy. Một điều lưu ý khi sử dụng chữa cháy dạng bột là không nên dùng để phun vào các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, vì trong bột có thành phần muối sẽ làm hư hại thiết bị.

Cuối cùng là bình chữa cháy khí CO2, có tác dụng làm loãng thành phần Oxy trong không khí xung quanh đám cháy, thường được dùng để chữa cháy chất lỏng như xăng, dầu, cồn; chữa cháy khí methane, gas,… và các thiết bị điện. Bình chữa cháy khí CO2 được khuyến cáo không nên sử dụng để xử lý các đám cháy có nguyên nhân do gốc kim loại kiềm, kiềm thổ như nhôm, chất nổ đen,… vì sẽ làm đám cháy mạnh hơn. Và không nên sử dụng cho khu vực phòng kín hoặc đứng cuối gió, vì khí CO2 có thể gây ngạt cho người chữa cháy. Ngoài ra, không được phun trực tiếp khí CO2 vào người khác, hãy cầm vào loa bình khi phun, vì khí CO2 được phun ra có nhiệt độ âm 73 độ C, sẽ khiến người tiếp xúc với khí bị bỏng lạnh.

Với mỗi loại bình, tùy theo nguồn gốc, xuất xứ, cũng như trọng lượng mà sẽ có giá thành khác nhau. Ví dụ như bình bột có giá dao động từ 300.000 đồng - hơn 4.000.000 đồng; bình khí CO2 có giá trong khoảng 450.000 đồng - hơn 8.000.000 đồng. Còn một loại bình là bình chữa cháy mini, phù hợp cho những ngọn lửa nhỏ, giá chỉ từ 100.000 đồng.

Thiết bị thoát nạn

Các thiết bị thoát nạn khác như thang dây, dây thoát hiểm, mặt nạ chống khói, bộ búa chuyên dụng cũng vô cùng nhiều loại. 

Ở hạng mục thang dây thoát hiểm sẽ gồm dây thang, thanh bậc thang, bát móc, móc khóa an toàn, bu lông nở dùng để thoát khỏi vị trí nguy hiểm từ độ cao nhất định. Các loại thang dây phù hợp trang bị cho các căn hộ trên tầng cao, ở chung cư. 

Chủ động trang bị thiết bị PCCC trong gia đình, chi phí cần bỏ ra là bao nhiêu? - Ảnh 6.

Các loại thang dây thoát hiểm giúp nạn nhân có phương án thoát khỏi đám cháy một cách chủ động (Ảnh minh họa)

Thang được cấu tạo với chất liệu bền nhẹ, khả năng chịu lực cao, kết cấu chắc chắn, với cách sử dụng đơn giản, cho phép cùng lúc thoát hiểm nhiều người. Khi có đám cháy xảy ra, gia chủ cần bình tĩnh, quan sát lựa chọn vị trí an toàn để thả thang. Vị trí thích hợp thường là ban công nơi xe cứu hỏa có thể tiếp cận nhanh chóng để hỗ trợ quá trình thoát nạn. Khi thoát hiểm cẩn đảm bảo thang được lắp đặt chắc chắn, các bát móc, móc khóa an toàn phải được móc chặt vào lan can. 

Hiện nay, thang dây thoát hiểm thường được bán theo đơn giá theo độ dài, khoảng 85.000 đồng/m, với các loại 5m, 10m, 15m, 20m,… để các gia đình lựa chọn tùy thuộc vào độ cao nhà mình.

Bên cạnh thang dây, dây thoát hiểm nhà cao tầng là thiết bị thiết yếu cứu hộ cá nhân, có thể bổ sung thêm, phòng một số trường hợp khẩn cấp. Giá dây thoát hiểm từ khoảng 3.000.000 đồng trở lên.

Còn các loại thiết bị hỗ trợ thoát nạn khác như mặt nạ phòng khói độc, giá từ 300.000 đồng trở lên; bộ dụng cụ búa, rìu PCCC chuyên dụng bao gồm 6 món, giá từ 900.000 đồng trở lên. 

Mặt nạ chống khói và bộ búa PCCC chuyên dụng cũng là vô cùng cần thiết (Ảnh minh họa)

Như đã nói ở trên, những sự cố cháy nổ, hỏa hoạn là những sự cố đáng tiếc không ai mong muốn. Khi xảy ra sự cố, bên cạnh việc liên hệ nhanh chóng với lực lượng CNCH, mỗi gia đình, mỗi người dân nên chủ động áp dụng các kỹ năng cũng như sử dụng các biện pháp, công cụ, phương tiện PCCC sẵn có. Có như vậy, rủi ro về thiệt hại về cả người và của mới được giảm thiểu ở mức tối đa.