Chủ tịch VIFOREST: Công nghệ quyết định giá trị của hàng nội thất

Admin

Trong bối cảnh cạnh tranh, doanh nghiệp ngành gỗ cần phải tận dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm giảm chi phí nhân công và tránh lãng phí nguyên liệu.

Ngày 22/6, Họp báo Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 (gọi tắt là BIFA Wood Vietnam 2023) đã được tổ chức với mục đích nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực tiếp cận với sản phẩm, công nghệ tiên tiến. 

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), muốn vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, các hiệp hội và doanh nghiệp phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế.

Hội chợ Bifa Wood Vietnam 2023 đã mở ra cơ hội giao thương sâu rộng và bền vững lâu dài, cập nhật những công nghệ hiện đại, tiên tiến và tự động hoá phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn cung ứng gỗ nguyên liệu đa dạng, dồi dào từ các thị trường khắp thế giới cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ Việt Nam.

"Sự hợp tác này nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh thuận lợi, rộng mở. Xa hơn, là nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới", ông Lập nói.

Xu hướng thị trường - Chủ tịch VIFOREST: Công nghệ quyết định giá trị của hàng nội thất

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam

Bifa Wood Vietnam 2023 là một cơ hội lớn để tìm kiếm tệp khách hàng, khai thác những sản phẩm ngách và cùng nhau mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong nửa cuối năm nay.

Ông cũng cho biết sẽ thông qua hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước, kết nối với hội chợ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các đoàn doanh nghiệp quốc tế, tổ chức các buổi kết nối cung - cầu nội thất giữa Việt Nam và các thị trường tiềm năng như Canada, Anh, Trung Đông…

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp nói chung gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng giảm sút. Việc các hiệp hội tổ chức hội chợ là điều rất cần thiết nhằm thúc đẩy giao thương, thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là điều rất cần, gấp rút trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện tại”.

Còn ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty Minh Thanh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về thời gian sản xuất và thời gian giao hàng ngày càng thu hẹp. Lượng hàng xuất khẩu ít mà thời gian sản xuất cũng ngắn.

“Với quản trị doanh nghiệp, cần phải thay đổi theo hướng tinh gọn, sản xuất nhanh, tinh gọn bộ máy sản xuất. Với hội chợ bifa wood, doanh nghiệp có cơ hội tham quan để tìm ra những máy móc thay thế nhiều công đoạn trong sản xuất để có giá thành tốt và giao hàng đúng hạn đến các khách hàng”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, đơn hàng đang quay lại và số lượng ít hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn, giao nhiều đợt hơn, chắc chắn phải đầu tư thêm máy móc và thiết bị mang tính đa năng hơn như máy CnC, làm một chi tiết sản phẩm thay cho 4-5 bước trước đây.

Xu hướng thị trường - Chủ tịch VIFOREST: Công nghệ quyết định giá trị của hàng nội thất (Hình 2). Các doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay phải nâng cao năng lực cạnh tranh khi giá đang xuống đáy

Trong bối cảnh thế giới đang bảo vệ môi trường, ông Lưu Phước Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, giống như các hội chợ trước, hội chợ năm nay nhắm đến các máy móc thiết bị thân thiện với môi trường.

Nguyên phụ liệu của ngành gỗ sử dụng trong chế biến đều đáp ứng đủ tiêu chí đảm bảo vùng nguyên liệu từ rừng trồng và rừng tái tạo. Ngoài ra, với sơn gỗ, nguyên liệu có liên quan đến các hóa chất độc hại, khi được sử dụng trưng bày tại hội chợ đều đáp ứng theo yêu cầu thân thiện và được phép sử dụng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về điểm mới của hội chợ lần này, ông Đỗ Xuân Lập, nhấn mạnh vấn đề phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi giá đang xuống đáy, nhu cầu thị trường cũng đang ở mức rất thấp.

Một thực tế hiện nay tại Việt Nam là giá nhân công cao, tiêu hao nguyên liệu rất nhiều, công nghệ chủ yếu là 2D trở xuống, chính vì vậy, hội chợ lần này giải pháp về kỹ thuật và công nghệ sẽ được coi là trọng tâm, ví dụ như lưỡi cưa. “Lưỡi cưa nghe đơn giản nhưng phải làm sao khi cắt ít tiêu hao gỗ nguyên liệu, đồng thời giảm đi nhân công làm việc” ông Lập cho hay.

Do đó, hội chợ lần này sẽ cung cấp cho nhà sản xuất những máy móc, thiết bị nâng cao, đáp ứng những yêu cầu chung của ngành gỗ.

Ông Lập lấy ví dụ, các sản phẩm từ gỗ vùng trồng, nếu chưa qua chế biến chỉ có hơn giá 3 triệu/m3, tuy nhiên nếu qua xử lý công nghệ có thể chạm đến mức giá 3.000 USD/m3.

Để thấy, giải pháp công nghệ rất quan trọng bên cạnh vùng trồng nguyên liệu, công nghệ giúp tiết kiệm nhưng vẫn có thể nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ. Cuối cùng ông Lập nhấn mạnh thông điệp: “Công nghệ quyết định giá trị của hàng nội thất".

Hội chợ BIFA Wood Vietnam 2023 diễn ra từ ngày 9-12/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, quy tụ hơn 100 doanh nghiệp, với gần 800 gian hàng, trưng bày giới thiệu công nghệ sản phẩm.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu đến thị trường toàn cầu. 

Với khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.