Chuyến bay giải cứu: Quy trình cấp phép thế nào?

Admin

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quy trình tiếp nhận, cấp phép các chuyến bay, nhiều cán bộ đã nhận hối lộ nhiều lần với con số hàng chục tỷ đồng.

Tháng 1/2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3/2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Đến tháng 4/2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội.

Tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo). Trên cơ sở thí điểm, Chính phủ chủ trương để các cơ quan thẩm quyền cấp phép tổ chức hàng loạt các chuyến bay combo sau đó để đưa công dân về nước.

Và từ đây, chính những cán bộ thuộc các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi nhận hối lộ.

Giai đoạn đầu cấp phép ở Văn phòng Chính phủ

Từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ giải quyết cấp phép chuyến bay cho một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tổng số chuyến bay được cấp phép trong giai đoạn này là 162 chuyến bay, trong đó có 27 chuyến bay giải cứu, 128 chuyến bay combo, 7 chuyến bay đơn lẻ.

Văn phòng Chính phủ phân công đơn vị, cá nhân thực hiện quy trình phê duyệt cấp phép chuyến bay như sau: Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay gửi hồ sơ đến Vụ Hành chính. Vụ Hành chính chuyển hồ sơ đén Vụ Quan hệ Quốc tế (QHQT) tập hợp, đề xuất. Lãnh đạo Vụ QHQT phân công, giao cho các chuyên viên: Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh và một số cá nhân khác tập hợp, đề xuất lãnh đạo Vụ QHQT.

Sau đó, Vụ QHQT báo cáo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để xét duyệt phương án giải quyết, rồi trình lãnh đạo Chính phủ xem xét quyết định. Khi trình hồ sơ lên lãnh đạo Chính phủ, Văn Phòng Chính phủ sẽ phải trình thông qua Nguyễn Quang Linh – Trợ lý Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quy trình xử lý đó, các bị cáo Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ QHQT), Nguyễn Quang Linh đã nhiều lần nhận hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Quang Linh – cựu Trợ lý Phó Thủ tướng đã nhận hối lộ 5 lần số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Tiến Thân và Nguyễn Thanh Hải đều đã nhận hối lộ 8 lần số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Mai Anh đã nhận hối lộ 3 lần số tiền 3 tỷ đồng.

Hồ sơ điều tra - Chuyến bay giải cứu: Quy trình cấp phép thế nào?

Trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, đã có 934 chuyến bay đưa công dân về nước được cấp phép tổ chức. 

Giai đoạn cấp phép ở Tổ công tác 5 Bộ

Sau đề xuất của Bộ Ngoại giao, từ tháng 4/2021, Chính phủ giao Tổ công tác 5 Bộ (gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và xét duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Trong đó, Bộ Ngoại giao là đầu mối chủ trì, tiếp nhận hồ sơ, đề xuất danh sách doanh nghiệp được cấp phép. 4 Bộ còn lại có nhiệm vụ cho ý kiến về danh sách các doanh nghiệp được cấp phép theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Điều đó có nghĩa chỉ khi cả 5 Bộ trong Tổ công tác 5 Bộ chấp thuận thì doanh nghiệp mới được phép tổ chức chuyến bay.

Trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022, Tổ công tác 5 Bộ đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân về nước, bao gồm 400 chuyến bay giải cứu và 372 chuyến bay combo.

Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự mà trực tiếp là Phòng Bảo hộ công dân được giao nhiệm vụ là đầu mối trực tiếp xử lý.

Theo đó, tại nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tập hợp công dân có nhu cầu đăng ký về nước báo cáo về Phòng Bảo hộ công dân để lập kế hoạch tổ chức đón về.

Bên cạnh đó, ở trong nước, Phòng Bảo hộ công dân cũng tiếp nhận hồ sơ xin tổ chức chuyến bay của các doanh nghiệp.

Sau khi Phòng Bảo hộ công dân tập hợp, lên dự thảo kế hoạch, danh sách doanh nghiệp tham gia sẽ trình lãnh đạo Cục Lãnh sự là Lê Tuấn Anh – Chánh Văn phòng, tập sự Phó Cục trưởng; Đỗ Hoàng Tùng – Phó Cục trưởng và Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng. Sau đó Nguyễn Thị Hương Lan sẽ trình Tô Anh Dũng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách mảng bảo hộ công dân để ký văn bản gửi xin ý kiến Tổ công tác 5 Bộ. Trên cơ sở sự chấp thuận của 4 Bộ còn lại, Bộ Ngoại giao sẽ trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quy trình xử lý đó, các bị cáo Lưu Tuấn Dũng (Phó Trưởng Phòng Bảo hộ công dân), Lê Tuấn Anh, Đỗ Hoàng Tùng, Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng đã nhiều lần nhận hối lộ từ đại diện các doanh nghiệp với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần số tiền hơn 25 tỷ đồng. Bị cáo Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 37 lần số tiền 21,5 tỷ đồng. Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng đã nhận hối lộ 38 lần số tiền hơn 12 tỷ đồng. Bị cáo Lê Tuấn Anh đã nhận hối lộ 19 lần số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Bị cáo Lưu Tuấn Dũng đã nhận hối lộ 14 lần số tiền hơn 527 triệu đồng.

Hồ sơ điều tra - Chuyến bay giải cứu: Quy trình cấp phép thế nào? (Hình 2).

Trong 54 bị cáo của vụ án này, có 21 bị can bị truy tố tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng tiếp nhận và xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao, trong đó Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị trực tiếp xử lý.

Khi có kết quả xử lý, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản rồi gửi trình Thứ trưởng Bộ Y tế duyệt, ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao. Việc trình Thứ trưởng để duyệt, ký này thông qua Phạm Trung Kiên – Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quy trình xử lý đó, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 - 15 triệu đồng/khách lẻ.

Kết quả, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, bị cáo này đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ, với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) được Bộ Công an giao tiếp nhận tiếp nhận xem xét, đề xuất cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay của Bộ Ngoại giao.

Trong đó, Vũ Sỹ Cường – cán bộ Phòng Tham mưu, thành viên Tổ tham mưu được phân công nghiên cứu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Vũ Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Tổ trưởng Tổ giướp việc ký nháy trình Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao để cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, 3 đối tượng này đã trục lợi từ các doanh nghiệp tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, Vũ Anh Tuấn đã chủ động liên hệ trực tiếp, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay với chi từ 50 - 200 triệu đồng/1 chuyến hoặc 500.000 đồng – 1.500.000 đồng/1 khách tùy từng thời điểm để nhận được “cái gật đầu” của Cục QLXNC.

Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý theo yêu cầu, Vũ Anh Tuấn và nhóm đối tượng sẽ “gây khó dễ” đối với doanh nghiêp thông qua việc Cục QLXNC không chấp thuận hoặc chỉ chấp thuận vào sát ngày doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận đưa hối lộ cho Vũ Anh Tuấn.

Kết quả từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, bị cáo Vũ Anh Tuấn nhận tiền 49 lần với tổng số 27,3 tỷ đồng, trong số này hưởng lợi 22,8 tỷ đồng. Bị cáo Trần Văn Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Sỹ Cường nhận hối lộ 7 lần với tổng số tiền 9,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng.

Hồ sơ điều tra - Chuyến bay giải cứu: Quy trình cấp phép thế nào? (Hình 3).

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, được dẫn giải tới phiên xét xử.

Bộ GTVT, Vụ Hợp tác Quốc tế được giao là đầu mối chủ trì xử lý. Lãnh đạo Vụ phân công Ngô Quang Tuấn (Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế) và một số chuyên viên khác nghiên cứu, đề xuất việc giải quyết cấp phép các chuyến bay, trình lãnh đạo Bộ duyệt, ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.

Sau khi doanh nghiệp được phép tổ chức thực hiện chuyến bay, Vũ Hồng Quang – Phó Trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam được giao nhiệm vụ ra quyết định cấp phép bay và sắp xếp số lượng khách theo từng chuyến bay.

Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ngô Quang Tuấn đã nhận hối lộ 7 lần số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Hồng Quang đã nhận hối lộ 9 lần số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.