Chuyện đi săn của “cá mập” Nguyễn Thanh Việt: Xuống tiền tới 40%, thực hiện 6/15 lời hứa với startup, nhưng một nửa số thương vụ đã tan biến

Admin

Với tỷ lệ xuống tiền lên đến 40% cho các startup đã cam kết đầu tư trên sóng truyền hình, rõ ràng chủ tịch Intracom là ‘cá mập’ hiền nhất trong ‘bể’ Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Shark Việt chưa thu được nhiều trái ngọt từ sự hào phóng của mình, khi một nửa thương vụ đầu tư gần như “tan biến vào hư vô”.

Ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch Intracom tham gia vào Shark Tank Việt Nam trong 3 mùa liên tiếp là mùa 2 năm 2018, mùa 3 năm 2019 và mùa 4 năm 2021. Chỉ duy nhất mùa 3 là ông đóng vai trò Shark chính, còn 2 mùa còn lại đều là khách mời.

Shark Tank Việt Nam đã trải qua 7 mùa phát sóng với 21 Shark tham gia chương trình; nhưng hiếm có ‘cá mập’ nào lại hào phóng như ông Nguyễn Thanh Việt. Ngay mùa đầu tiên, dù tham gia với tư cách khách mời nhưng ông đã chốt tới 5 deal với tổng số tiền 47,1 tỷ đồng và trở thành Shark cam kết đầu tư nhiều nhất mùa 2. Và ông cũng chính là Shark cam kết đầu tư nhiều nhất mùa 3 với 7 deal.

Không chỉ hào phóng trên sóng truyền hình mà sau khi các mùa kết thúc, thì tỷ lệ thực rót của ông cũng cao nhất chương trình – nếu chỉ tính riêng số lượng. Sau 3 mùa, ông đã cam kết đầu tư cho 15 startup trên sóng truyền hình và thực tế đã rót tiền vào 6 trong số đó. Theo đó, tỷ lệ thực hiện cam kết đầu tư của ông là 40%, trong khi các Shark khác chỉ khoảng 20% đến 30%. Thậm chí còn có Shark gần như không thực hiện bất cứ lời cam kết nào.

Không chỉ thế, quá trình thẩm định của ông luôn diễn ra nhanh chóng và thường tạo ra những kỷ lục mới về tốc độ DD cho chương trình Shark Tank Việt Nam cũng như thế giới. Ở những deal chung như CDTS với Shark Thái Vân Linh hay Luxstay cùng Shark Hưng – Shark Thủy, dù các đồng nghiệp đã ngó lơ xong ông vẫn quyết định một mình hỗ trợ startup.

Chuyện đi săn của “cá mập” Nguyễn Thanh Việt: Xuống tiền tới 40%, thực hiện 6/15 lời hứa với startup, nhưng một nửa số thương vụ đã tan biến- Ảnh 1.

Cụ thể hơn, Shark Tank Việt Nam mùa thứ 2, Shark Việt có 2 thương vụ đầu tư một mình là Tokai với 12 tỷ cho 51% cổ phần và Nhiệt Mặt Trời với 1 triệu USD cho 50% cổ phần; 3 thương vụ chung với Shark khác cho Plasmaed với 17 tỷ cho 20%, CDTS với 5 tỷ cho 36% và Vina Chuối với 2,3 tỷ cho 51% cổ phần.

Thực rót: Shark Việt đã đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần của CDTS và rót thêm số tiền là 5 tỷ dưới dạng khoản vay ưu đãi làm vốn lưu động cho công ty sau 100 ngày thẩm định. Đây cũng là một kỷ lục về tốc độ thẩm định – đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam thời điểm đó.

Vào 9/2019, sau 10 tháng tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý và thẩm định, Intracom và Tokai cũng đã chính thức ký kết hợp tác. Hiện tại, Tokai đã đổi tên thành Intracom Tokai và họ cũng chính là cầu nối để Intracom thâm nhập vào thị trường bất động sản Nhật Bản.

Chuyện đi săn của “cá mập” Nguyễn Thanh Việt: Xuống tiền tới 40%, thực hiện 6/15 lời hứa với startup, nhưng một nửa số thương vụ đã tan biến- Ảnh 2.

Ở mùa Shark Tank Việt Nam thứ 3, Shark Việt đã cam kết đầu tư 188,3 tỷ đồng cho 7 startup là Tua Bin Gió, Luxstay, Triip.me, Guốc, Dalat Foodie, Tối Nay Ăn Gì, eDoctor trên sóng truyền hình. Trong đó, deal lớn nhất là với Tua Bin Gió – 138 tỷ đồng.

Thực rót: 9/2019, lễ ký kết đầu tư giữa Intracom và Triip.me đã diễn ra. Với việc quá trình DD chỉ diễn ra trong 30 ngày, đây là thương vụ có quá trình DD ngắn nhất trong cả hệ thống Shark Tank trên toàn cầu thời điểm đó.

Ở tập 3, Triip đã thuyết phục được Shark Việt đầu tư 500.000 USD đổi lấy 6,6% cổ phần công ty, trong đó 500.000 USD đổi lấy 5% cổ phần trực tiếp, 1,6% còn lại là từ Employee Stock Option (ESO – quyền mua cổ phiếu dành cho nhân viên) có điều kiện (shark Việtlàm việc cho Triip 1 giờ đồng hồ/tuần).

Chuyện đi săn của “cá mập” Nguyễn Thanh Việt: Xuống tiền tới 40%, thực hiện 6/15 lời hứa với startup, nhưng một nửa số thương vụ đã tan biến- Ảnh 3.

Tháng 11/2019, Shark Việt cũng đã chính thức xuống 1 triệu USD cho 5% cổ phần và 1 triệu USD quyền mua vòng tiếp theo cho Luxstay như đã cam kết. Tháng 11/2020, Intracom cũng chính thức đầu tư vào Dalat Foodie 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần và hỗ trợ startup này mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội.

Chuyện đi săn của “cá mập” Nguyễn Thanh Việt: Xuống tiền tới 40%, thực hiện 6/15 lời hứa với startup, nhưng một nửa số thương vụ đã tan biến- Ảnh 4.

Ở mùa Shark Tank Việt Nam thứ tư, Shark Việt cũng cam kết đầu tư 28,609 tỷ đồng cho Y học tái sinh Việt Nhật – 20 tỷ đồng, EQUO – 4,609 tỷ đồng và BluSaigon – 4 tỷ đồng trên sóng truyền hình.

Thực rót: tháng 4/2022, Intracom đã chính thức ký kết đầu tư cho BluSaigon.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ‘ở hiền sẽ gặp lành’, khi hiện tại, ½ thương vụ đầu tư của ông đã gặp vấn đề. Dalat Foodie đã đóng cửa công ty, Luxstay đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và từ vị thế ngôi sao sáng nay gần như biến mất khỏi giới khởi nghiệp, nhà sáng lập Hải Hồ đã rời Triip.me và hiện bắt đầu khởi nghiệp lại với dự án pin cát Alterno.