Thanh long chính thức mất "ngôi vương" trái cây tỷ đô vào tháng 7/2022 - thời điểm sầu riêng được chính thức ký nghị định thư. Tuy nhiên, việc mất vị thế của loại trái cây này không phải là một điều bất ngờ bởi nó diễn ra từ một quá trình từ trước đó rất lâu. Kim ngạch xuất khẩu thanh long cũng giảm mạnh, từ mức đỉnh đạt 1,27 tỷ USD năm 2018 và chỉ đạt hơn 350 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay. Tìm hướng đi mới cho loại trái cây này đang là thách thức phải đối diện.
Chuyên về các sản phẩm từ trái thanh long, 1 năm qua Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải đã bắt đầu chuyển hướng thị trường và các dòng sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc thì đã chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và làm các chứng nhận Halah để vào siêu thị tại Malaysia.
Ông Phạm Cao Vân - Giám đốc Công ty Công nghệ thực phẩm Kim Hải cho biết: "Tôi nhận thấy các nước ở gần Việt Nam là cơ hội, nên mình cố gắng tập trung vào những thị trường mới nổi như Malaysia, Indonesia…".
Thanh long chính thức mất "ngôi vương" trái cây tỷ đô vào tháng 7/2022. Ảnh minh họa - Ảnh: .
Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Nam Mỹ đều đã trồng thành công thanh long. Trong đó, Trung Quốc với 67.000 ha và thậm chí còn có sản lượng vượt cả Việt Nam với mức 1,6 triệu tấn/năm. Ấn Độ, trước đây chỉ chiếm 8 - 10% kim ngạch xuất khẩu, cũng đang phát triển mạnh diện tích. Điều này đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho trái thanh long Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Thanh long Việt Nam tại Mỹ đang thất thế vì lý do logicstic. Thái Lan giờ cũng trồng nữa. Thanh long là một mặt hàng rất dễ trồng, rất dễ có thành phẩm để xuất khẩu nên tôi nghĩ khó có thể quay trở lại ngôi vương như xưa".
Nhiều nhận định cho rằng, thời kỳ đỉnh cao của trái thanh long đã qua và đang có xu hướng đi xuống. Do vậy, nếu vẫn tăng diện tích nuôi trồng và không nỗ lực cải thiện chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu, thị trường thanh long sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.