Công ty Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific - HoSE: PVP) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 360 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8,7% lên 16,7%.
Trong kỳ, nhờ có thêm khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay, giúp công ty báo lãi sau thuế gần 55 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của công ty, nhờ tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt, bên cạnh đó công ty đầu tư thêm tàu đã góp phần làm tăng doanh thu, đồng thời tăng doanh thu hoạt động tài chính, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí quản lý.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 665 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 230% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, PVP đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.945 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 237 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 18% so với ước tính thực hiện trong năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu và 64% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 2.785 tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Mức tăng chính đến từ tài sản cố định khi tăng thêm gần 469 tỷ đồng lên 1.577 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong kỳ, PVP đã mua thêm tàu Pacific Era trọng tải 50.057 DWT và là loại tàu dầu hóa chất cỡ lớn (MR).
Trong cơ cấu tài sản, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ở mức 833 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 332 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng nợ khó đòi trên 76 tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2023, công ty có gần 1.140 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ dài hạn 705 tỷ đồng và 433 tỷ đồng. Công ty đi vay tổng cộng 693 tỷ đồng, chiếm 61% cơ cấu nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.645 tỷ đồng, trong đó quỹ đầu tư phát triển gần 600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 102 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023.
Theo báo cáo ngành dầu khí của VNDriect mới đây, nhóm nghiên cứu nhận định sự thay đổi không thể đảo ngược trong dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu sẽ giữ mặt bằng giá cước thuê tàu ở mức cao. Nhờ đó, doanh nghiệp vận tải dầu khí sẽ tiếp tục được tận hưởng môi trường giá cước thuê tàu cao trong thời gian tới.
Đối với cả thị trường vận tải dầu thô và nhiên liệu, VNDriect nhận thấy xu hướng vững chắc của thị trường vận tải với triển vọng khả quan trong năm 2023 nhờ sự dịch chuyển dòng chảy thương mại sang các tuyến hải trình dài hơn sau lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với dầu Nga và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi mở cửa trở lại, và tốc độ tăng trưởng đội tàu bị giới hạn do số lượng đơn đặt hàng ở mức thấp trong những năm gần đây.
VNDriect kỳ vọng giá cước thuê tàu tiếp tục duy trì ở mức cao, những doanh nghiệp có mức độ tham gia vào thị trường quốc tế cao như PVT sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi chính.
PVP là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - PVT), chuyên kinh doanh vận tải dầu thô, cho thuê tàu, hoạt động chính tại châu Á, châu Úc, Trung Đông và Trung Mỹ.
Tại thị trường nội địa, PVP được giới thiệu là nhà vận chuyển duy nhất toàn bộ dầu thô đầu vào từ mỏ Bạch và các mỏ khác tại Việt Nam về nhà máy lọc dầu Dung Quất với khối lượng từ 5 - 7 triệu tấn/năm, số chuyến tàu thực hiện từ khi Nhà máy NMLD Dung Quất đi vào hoạt động đến hiện tại là hơn 700 chuyến vận chuyển dầu thô (tương đương khoảng 50 triệu tấn).
Bên cạnh đó, từ tháng 4/2018, PVP chính thức bắt đầu tham gia vận chuyển dầu thô cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn với khối lượng bình quân khoảng 270.000 tấn/chuyến.