Quân đội Nigeria đã mua xe tăng chủ lực VT-4 của Trung Quốc.
Tờ Daily Post của Nigeria ngày 6/8 đăng tải tuyên bố của cựu Bộ trưởng Bộ Hàng không Femi Fani-Kayode, trong bối cảnh thời hạn chót mà Khối Tây Phi ECOWAS đặt ra với Niger đã trôi qua. ECOWAS yêu cầu chính quyền quân sự ở Niger khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum hoặc đối mặt nguy cơ bị liên quân ECOWAS tấn công.
ECOWAS là khối kinh tế Tây Phi trong đó Nigeria là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất.
Theo Daily Post, ông Fani-Kayode bày tỏ sự bất bình khi một số video được đăng tải gần đây cho thấy binh sĩ Niger, Burkina Faso và Mali diễu hành, hát những bài hát mang tính kích động nhằm vào Nigeria.
"Trước khi kích động Nigeria bằng xung đột vũ trang và đe dọa Nigeria bằng chiến tranh, họ nên biết rằng Nigeria là quốc gia yêu chuộng hòa bình, tốt bụng, giàu lòng nhân ái và cực kỳ cần cù, chăm chỉ", ông Fani-Kayode đưa ra tuyên bố hôm 6/8.
Cựu Bộ trưởng Hàng không Femi Fani-Kayode, thành viên đảng cầm quyền ở Nigeria.
Ông Fani-Kayode cho rằng, nền kinh tế của các quốc gia do chính quyền quân sự nắm quyền trong khu vực, gồm Mali, Burkina Faso, Chad, Sudan, Guinea và Niger, cộng lại cũng chưa bằng bang Lagos của Nigeria.
"Họ đã quên rằng Nigeria là quốc gia một mình đối phó và kiềm chế hai tổ chức khủng bố nguy hiểm là Boko Haram và khủng bố IS ở châu Phi (ISWAP)", ông Fani-Kayode nói. "Nigeria ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn".
"Trước khi nhắc đến chiến tranh, hãy suy nghĩ kỹ, nhìn nhận lịch sử để biết Nigeria đang ở đâu và những gì Nigeria có thể làm", ông Fani-Kayode nhấn mạnh.
Festus Aboagye, cựu đại tá về hưu, cố vấn an ninh cho Liên minh châu Phi và Liên Hợp Quốc, nói trên đài Al Jazeera rằng, kế hoạch quân sự của ECOWAS diễn ra như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực triển khai binh sĩ của Nigeria.
"Thời hạn chót trôi qua không có nghĩa là ECOWAS sẽ can thiệp quân sự ngay lập tức vì quân đội có mốc thời gian riêng", ông Aboagye nhận định. "Ở Tây Phi, Nigeria là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất, từ khi ECOWAS can thiệp quân sự ở Liberia hay Sierra Leone".
Tuần qua, thượng viện Nigeria đã đưa ra tuyên bố không ủng hộ Tổng thống Bola Ahmed Tinubu can thiệp quân sự vào Niger. Nhưng ông Aboagye nói Tổng thống Nigeria vẫn là người có quyền quyết định cuối cùng.
Năm 2017, Tổng thống Nigeria khi đó là Muhammadu Buhari vẫn ra lệnh đưa quân đội tới Gambia dù Quốc hội không đồng ý. Năm đó, Tổng thống Gambia Yahya Jammeh thất bại trong bầu cử nhưng không chịu từ bỏ quyền lực, khiến ECOWAS can thiệp.
Tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower năm 2023 đánh giá Nigeria sở hữu lực lượng quân đội mạnh thứ 4 ở châu Phi và mạnh nhất ở Tây Phi.
Nigeria sở hữu lực lượng quân đội mạnh thứ 4 ở châu Phi và là lực lượng mạnh nhất ở Tây Phi.
Nigeria đã đầu tư mạnh mẽ cho quân đội kể từ năm 2019, với việc mua chiến đấu cơ JF-17, xe tăng chủ lực VT-4 và các mẫu máy bay không người lái (UAV) vũ trang của Trung Quốc.
Tháng 11/2020, Nigeria nhận hai UAV tầm trung Wing Loong II từ Trung Quốc. "Nigeria và UAE là hai quốc gia nước ngoài vận hành mẫu UAV cỡ lớn này của Trung Quốc. UAV có thể tham gia chiến đấu liên tục trong 26 giờ", thiếu tướng không quân Nigeira, Ibikunle Daramola khi đó nói.
Tháng 12/2022, Nigeria đã đưa vệ tinh DELSAT-1 vào hoạt động với mục tiêu cung cấp dữ liệu thời gian thực phục vụ các sứ mệnh quân sự và chống khủng bố. Vệ tinh do tên lửa Trung Quốc phóng vào quỹ đạo tại bãi phóng ở tỉnh Tứ Xuyên.
Nigeria đặt mục tiêu vận hành 5 vệ tinh như vậy nhằm giúp không quân, lục quân và hải quân phối hợp chiến đấu tốt hơn. Vệ tinh cũng có năng lực soi rõ các vật thể cỡ nhỏ như xe đạp hay xuồng cao tốc, trang mạng Business Day của Nigeria cho biết.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp