Nhập viện trong tình trạng nguy kịch
Bệnh nhân là chị Đ.T.M.L. (33 tuổi, ngụ ở phường 8, quận Gò Vấp, Tp.HCM). Do bị sốt cao và khó thở kéo dài 3 ngày liên tục, ngày 13/9 chị L. đến khám tại một cơ sở y tế gần nhà.
Sau khi nhập viện, do diễn tiến bệnh rất nhanh nên chị L. rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải thở máy xâm lấn.
Lập tức, chị L. được hội chẩn liên viện và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào ngày 16/9 để hồi sức chuyên sâu vì tổn thương phổi lan tỏa hai bên (gần 70% thể tích hai phổi).
Tại Khoa Hồi sức tim mạch, bệnh nhân L. có biểu hiện lâm sàng của hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, giảm oxy máu nặng, nguy cơ phải can thiệp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VV-ECMO).
Bệnh nhân L. được tối ưu hô hấp bằng cách thông khí bảo vệ phổi và thông khí nằm sấp. Sau 48 giờ nhập viện, với kết quả cấy máu, bệnh nhân L. dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore). Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao.
Sau 4 ngày điều trị "trúng đích" vi khuẩn Whitmore, tổn thương phổi và tình trạng suy hô hấp nặng của chị L. dần được cải thiện ngoạn mục.
7 ngày cứu sống ngoạn mục
Chỉ sau 7 ngày thông khí xâm lấn, nữ bệnh nhân cai máy thở thành công. Sau 14 ngày điều trị, chị L. phục hồi gần như hoàn toàn.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bà T.T.Đ, mẹ của bệnh nhân L. xúc động chia sẻ: "Cách đây 2 tuần, mỗi lần nhìn con gái nằm hôn mê, bất động, tôi chỉ biết khóc. Khi nghe bác sĩ cho biết tình trạng nguy kịch của con, gia đình của tôi đã chuẩn bị tinh thần, tiền bạc để lo hậu sự cho con,. Nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã cứu sống con gái của tôi, mang đến phép màu cho cả gia đình".
Thạc sĩ, Bác sĩ Phó Thiên Phước, Khoa Hồi sức tim mạch, bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân L. chia sẻ: "Nhiễm khuẩn Burkholderia pseudomallei hay còn gọi "vi khuẩn ăn thịt người" là bệnh Whitmore thường được ghi nhận ở các nước khí hậu nhiệt đới như vùng Đông Nam Á, Bắc Úc…
Theo thống kê gần đây tại các nước như Thái Lan hay Singapore, cho thấy tỉ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm khuẩn huyết bởi tác nhân này lên đến 40% - 50%. Đặc biệt, nếu bệnh nhân bị viêm phổi nặng thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 75%.
Theo bác sĩ Phước, bệnh Whitmore thường lây truyền qua tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn và thường xuất hiện ở bệnh nhân có sức đề kháng suy giảm như đái tháo đường, bệnh thận mạn, nghiện rượu…
Nếu chẩn đoán sớm, điều trị tích cực đúng tác nhân ngay từ đầu sẽ giúp cải thiện ngoạn mục tiên lượng của người bệnh, tránh nguy cơ phải can thiệp các phương thức hồi sức đắt tiền và xâm lấn như ECMO.
Hiện nay, Whitmore chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei thường sống trong đất, đặc biệt là đất ẩm và nước ô nhiễm.
Khi có vết thương hở, vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng. Ban đầu, bệnh có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau cơ.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí dẫn đến tử vong.
Điển hình như trường hợp của chị L.. Chị L. cho biết: " Tôi có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe. Có lẽ vì thói quen này mà tôi bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei".
Trước đó vào tháng 9, Khoa Nội cơ Xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã điều trị thành công cho một bệnh nhân (38 tuổi, ngụ Tp.HCM) cũng bị mắc bệnh Whitmore nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch, sốt cao liên tục 39-40 độ, kiệt sức. Khớp gối trái sưng đỏ, nóng rát, đau nhức dữ dội đến mức bệnh nhân không thể tự đi lại.
Trước sự nguy hiểm của bệnh này, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định khuyến cáo, người dân phải chủ động biện pháp phòng tránh bằng cách: khi làm việc ngoài trời, cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như găng tay, ủng để tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bẩn.
Nếu không may bị trầy xước hoặc có vết thương hở, cần rửa sạch bằng nước sạch và xà phòng, băng bó và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Nguyễn Lành