Ngó sen còn có tên khác là liên ngẫu, ngẫu tiết (mầm ngó sen) là loại rau đặc sản chỉ có vào mùa hè. Ngó sen là phần non nhất của cọng lá sen, nằm sát gốc của cây sen với màu trắng sữa, xốp, bên trong có nhiều ống dọc nhỏ, sờ vào có cảm giác mát lạnh.
Theo Đông y, ngẫu tiết có vị ngọt sáp, tính bình, quy vào các kinh can, phế và vị.
Y học hiện đại cũng đã phân tích thành phần trong ngẫu tiết thấy chứa chủ yếu là asparagin 2% acginin, trigonilin, tyrosin, esther phosphoric, glucoza, vitamin C, trigonelin và tannin...
Về dược lý, Đông y thấy ngẫu tiết thu liễm chỉ huyết, chủ trị các chứng thổ huyết, ho ra máu, niệu huyết, tiện huyết. Các y thư cổ có ghi "giải nhiệt độc, tiêu ứ huyết" (sách Nhật hoa tử bản thảo), huyết lâm, huyết lỵ, huyết băng (theo Bản thảo cương mục). Sách Bản thảo hội ngôn ghi: Ngẫu tiết là thuốc tiêu ứ huyết, chỉ huyết lộng hành. Thời Chân phương: Trị khái huyết, ẩu huyết, thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết, lâm huyết, huyết băng. Cho vào tứ sinh ẩm gồm lá sen, trắc bá, ngải diệp, sinh địa các vị đều tươi và lượng như nhau, nấu lấy nước uống rất tốt. Sách Bản thảo cương mục thập di nói: Bột ngẫu tiết khai cách, bổ thận, hòa huyết mạch, tán ứ huyết, sinh tân huyết, người sản hậu và thổ huyết ăn rất tốt. Còn sách Bản thảo tái tân cũng nói: Lương huyết, dưỡng huyết, lợi thủy thông kinh.
Liều dùng trung bình từ 10-15g mỗi ngày, có thể sử dụng tới 30-60g/ngày trong các trường hợp giã lấy nước uống hoặc làm cao đơn hoàn tán. Thuốc dùng tươi tính bình, mát, tác dụng chỉ huyết tán ứ mạnh trong trường hợp xuất huyết do nhiệt. Ngẫu tiết sao than tính bình, hơi ôn, tác dụng thu liễm, chỉ huyết tốt, được sử dụng trị chứng xuất huyết mạn, cơ thể hư hàn.
Dược lý hiện đại cũng cho thấy rút ngắn thời gian chảy máu trên thực nghiệm. Sau khi ngẫu tiết đốt thành than làm cho lượng tannin và canxi trong thuốc tăng cao nên tác dụng cầm máu mạnh hơn.
Vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe nên loại đặc sản mùa hè dưới lòng đất này đang được nhiều người tìm mua chế biến thành nhiều món độc lạ.
Ghi nhận của Sức khỏe & Đời sống, trên thị trường, ngó sen hiện được bán với giá từ 40.000-100.000 đồng/kg, tùy loại.
Bà Nguyễn Khải (trú Minh Phượng, Tiên Lữ, Hưng Yên) cho biết, nhà bà trồng 6 sào sen nên mỗi ngày bà thu hoạch được nhiều nhất khoảng 40kg ngó. Để có được số ngó sen này, bà cho biết cả gia đình khá vất vả để lấy được vì phần ngó nằm dưới bùn, cây sen lại nhiều gai góc có thể cào xước da…
Mỗi buổi sáng sớm, bà lại đi ra đầm sen để lấy ngó về rửa sạch rồi đem bán. “Ngó sen vẫn là mặt hàng mới lạ ở vùng quê nên lượng bán hơi chậm, chủ yếu khách hàng ở nơi xa đặt hàng”, bà chia sẻ.
Hàng ngày, bà sẽ bán ngó sen tươi với mức giá khoảng 40.000 đồng/kg (chưa bao gồm phí vận chuyển). Khách quanh khu vực sẽ được miễn phí vận chuyển, còn ở xa sẽ tự chịu phí. Phần còn lại, bà sẽ đem ngó sen đi muối để bảo quản được lâu hơn, giá bán 80.000 đồng/kg.
Bà Khải cho biết, ngó sen đem xào hay muối chua ăn sẽ thấy rất giòn, ngọt mát. Vị của nó rất hấp dẫn, bà đánh giá nếu ai ăn lần đầu cũng không thể chê được và có thể nghiện luôn món ăn làm từ ngó sen.
Chị Phương Linh (Hải Phòng) cũng cho biết, gia đình chị trồng sen nhiều năm nay. Do gia đình trồng diện tích nhỏ nên cứ 2-3 ngày, bố của chị mới đi lấy ngó sen một lần, mỗi lần chỉ được khoảng 5-7kg.
“Số lượng này chỉ đủ gia đình ăn và dư thừa một vài cân đem bán thôi. Khách hỏi mua cũng nhiều nhưng nhà tôi không có đủ để bán, tôi sẽ giới thiệu sang các đầm sen khác để họ tìm đến mua”, chị Linh chia sẻ với Nông Thôn Việt.
Sở dĩ ngó sen được ưa chuộng, một phần vì nó ngon ngọt, phần khác là bởi đây là thực phẩm sạch. “Vì khi trồng sen, hầu như các gia đình không cần phải chăm bón hay phun thuốc gì. Những cây sen sẽ tự ăn bùn đất và phát triển nên ngó sen được coi là một thực phẩm sạch”, chị cho biết.
Vì ngó ẩn dưới bùn nước trong đầm nên bố chị phải rất tỉ mẩn tìm từng mầm ngó sen. Khi thấy, dùng tay đưa dọc theo mầm non xuống tới gốc sen, vừa rút nhẹ và vừa bẻ để lấy được hết phần ngon nhất của ngó. Thời tiết nắng nóng, bố chị chủ yếu đi lấy vào sáng sớm và chiều tối để đỡ cực.
Trong khi đó, theo chia sẻ của một người nội trợ ở Hà Nội, thời điểm đầu mùa chị phải mua ngó sen với giá trên 100.000 đồng/kg. Thời điểm này hàng rộ hơn, chị cũng dễ dàng mua những mớ ngó sen ngon tại các chợ dân sinh với giá chỉ 50.000 đồng.
"So với các loại rau khác, mức giá này khá cao. Nhưng gia đình tôi rất thích các món ăn được chế biến có ngó sen. Ngó sen ăn tốt cho sức khoẻ, nhất là với những người mất ngủ. Mua mớ này 1kg, tôi về làm gỏi tai heo. Vị thanh mát của ngó sen tươi, tôi rất thích", chị Minh cho hay.
Không chỉ tại chợ dân sinh, ngó sen cũng được rao bán trên chợ mạng. Chị Nguyễn Thị Thanh, bán hàng online cho biết, chị bán chủ yếu là hoa sen nhưng những ngày này các đầm ở Hưng Yên thu hoạch sen lên chị lấy thêm ngó sen về bán. Thời điểm cuối tháng 6 và đầu tháng 7, ngó sen có giá tới gần 100.000 đồng/kg. Nay mặt hàng này đã hạ nhiệt, lượng khách đặt mua cũng tăng hơn.
Ngó sen khó bảo quản. Nếu để qua ngày mà không bảo quản tốt rất dễ bị thâm, bởi vậy chị Thanh chỉ nhập theo số lượng đặt. Chị cho biết, khách hàng lấy ngó sen phần lớn là những khách đã quen mua hoa sen nhà chị. Khách lạ lại không biết nhiều về loại đặc sản này. Tuy vậy, số lượng khách đặt ngày một nhiều, mỗi tuần chị sẽ về 2 chuyến để trả khách, mỗi chuyến tầm 50kg. Để đủ lượng hàng này, chị phải gom nhiều đầm khác nhau.
Chỉ bán online, chị Lê Thị Loan (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay chị bán các mặt hàng liên quan đến sen. Sen là cây có thể sử dụng được các bộ phận từ lá, hoa, củ, ngó, đến hạt… Vào đầu mùa ngó sen, giá có phần đắt hơn, có thời điểm giá của ngó sen lên tới 120.000 đồng. Mỗi ngày chị bán ra cũng tầm 20 – 30kg ngó sen.
Chị cho biết thêm, để lựa chọn loại ngon, nên chọn cọng ngó dài, thân căng tròn, mọng nước bên trong vì đó là loại tươi. Tránh chọn những ngó bị thâm đen, dập nát. Khi mua về, mọi người cần sơ chế cẩn thận để khi ăn đảm bảo được độ ngọt và giòn của ngó.
Vì ngó sen sống dưới bùn nước trong đầm, ao nên công đoạn sơ chế của ngó sen khá mất thời gian. Để làm sạch, khi mang về mọi người nên làm sạch phần vỏ, cắt khúc, chẻ đôi rồi ngâm với nước có pha chút chanh loãng và đá lạnh. Khi ngó sen sạch trắng thì rửa lại, ngâm nước đá lạnh một lần nữa để bảo quản trong tủ mát vài ngày dùng. Ngó sen sẽ không bị thâm đen, có độ giòn cứng nhờ nước đá lạnh.
Minh Hoa (t/h)