Phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 13/7 về vụ thử tên lửa liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên mới đây, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định, vụ phóng “không tác động tiêu cực đến an ninh của các nước láng giềng”.
Đại sứ Triều Tiên nhấn mạnh, mô hình an ninh quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã đạt đến giai đoạn ổn định sau cuộc khủng hoảng hạt nhân hậu Chiến tranh Lạnh. Song, ông cho rằng Mỹ có nguy cơ đẩy tình hình ở châu Á "đến bờ vực chiến tranh hạt nhân" bằng các hành động của nước này.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa hôm 12/7. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc)
Theo nhà ngoại giao Triều Tiên, chính “ các hành động khiêu khích quân sự” do Mỹ và đồng minh thực hiện đã tác động tiêu cực đến tình hình khu vực.
“Vào tháng 4, Mỹ và Hàn Quốc ra 'Tuyên bố Washington' - nền tảng cho cuộc đối đầu hạt nhân với Triều Tiên. Tiếp đó, Mỹ công khai lên kế hoạch cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bình Nhưỡng thông qua cuộc họp của 'Nhóm tư vấn hạt nhân chung' giữa Mỹ - Hàn Quốc", ông Kim nói.
Ông cũng lập luận rằng việc Mỹ thường xuyên triển khai tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân chiến lược xung quanh bán đảo Triều Tiên, cũng như tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trong khu vực. Những động thái này của Mỹ nguy cơ đẩy Bình Nhưỡng “đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Giữa lúc căng thẳng Bình Nhưỡng - Washington gia tăng, ngày 12/7, Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 về phía vùng biển Nhật Bản. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), quả đạn được phóng theo góc cao và bay xa khoảng 1.000 km trước khi lao xuống vùng biển của Nhật Bản.
Trước đó vào tháng 4, Mỹ và Hàn Quốc đồng ý triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ ở vùng biển của Hàn Quốc.
Mỹ bắt đầu đặt các đầu đạn hạt nhân ở Hàn Quốc vào năm 1958 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để đe doạ Triều Tiên và tiếp tục tăng số lượng đầu đạn hạt nhân qua từng năm. Trong giai đoạn cao điểm của thập niên 1960, Washington bố trí tới 950 đầu đạn hạt nhân các loại tại Hàn Quốc.
Đến thập niên 1970, Mỹ bắt đầu rút bớt các loại pháo phản lực và tên lửa đạn đạo hạt nhân, chỉ để lại bom hạt nhân. Các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật được Mỹ rút hoàn toàn vào năm 1991, đáp ứng thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.