Đang có hiện tượng “lách” xác thực sinh trắc học, ngân hàng còn biện pháp nào khác để đảm bảo an toàn giao dịch?

Admin

Hầu hết ngân hàng hiện đang áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc học để định danh tài khoản, xác minh danh tính của khách hàng.

Đang có hiện tượng “lách” xác thực sinh trắc học, ngân hàng còn biện pháp nào khác để đảm bảo an toàn giao dịch?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc hoạch định an ninh thông tin, Techcombank.

Tại phiên thảo luận, Hội thảo chuyên đề 3 “Nâng cao an toàn, bảo mật trong thời kỳ chuyển đổi số ngành ngân hàng”, nằm trong khuôn khổ sự kiện Smart Banking 2024 ngày 29/10/2024, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc hoạch định an ninh thông tin, Techcombank đã có những chia sẻ về vấn đề bảo mật, an toàn cho khách hàng khi tham gia các giao dịch ngân hàng điện tử.

Phiên thảo luận đã đề cập tới vấn đề: Hầu hết ngân hàng đang áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc học eKYC để định danh tài khoản, xác minh danh tính của khách hàng, từ đó ngăn chặn nguy cơ lừa đảo, gian lận, giả mạo thông tin. Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng thủ đoạn “lách” xác thực sinh trắc học, như dùng tài khoản doanh nghiệp hoặc dùng các nền tảng như Facebook để “bẫy” khách hàng. Vậy ngoài xác thực khuôn mặt, vân tay các ngân hàng còn công nghệ, biện pháp nào để bảo mật dữ liệu, bảo đảm an toàn giao dịch của khách hàng?

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc hoạch định an ninh thông tin, Ngân hàng TMCP Techcombank cho biết, bên cạnh việc đi đầu trong việc thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD có gắn chip và triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học, ngân hàng còn đang chủ động làm việc, kết hợp với các công ty IT, kiểm toán, các đối tác kinh doanh (business partner) nhằm trang bị những khung đánh giá nhằm phát hiện rủi ro sớm, từ đó đưa ra giải pháp bảo mật thông tin khách hàng, xác thực an toàn tốt hơn.

Không chỉ vậy, Techcombank luôn lắng nghe, theo dõi vòng xoay của thị trường, ý kiến phản ánh từ cộng đồng,…để nắm bắt những vấn đề của khách hàng”.

Ông cho biết thêm: “Nếu không liên tục thu thập thông tin về các vấn đề mà khách hàng đang đối mặt, không có các biện pháp đảm bảo cho khách hàng rất có thể sẽ tạo điều kiện cho hacker lợi dụng để thực hiện gian lận, lừa đảo, tấn công tài chính. Do đó, Techcombank cũng đang áp dụng các công nghệ, biện pháp khác để quản lý dữ liệu khách hàng, đảm bảo an toàn truy cập”.

Techcombank cũng đang thực hiện các chiến dịch, chương trình truyền thông, với nhân viên Techcombank làm đại sứ để phổ biến kiến thức cho khách hàng, làm thế nào để dùng thiết bị, sản phẩm an toàn hơn. Ngoài ra, ngân hàng còn cung cấp những tài liệu hướng dẫn, video clip để nâng cao nhận thức, từ đó tạo dựng cộng đồng cùng nhau tốt hơn.

Trước đó, tại Phiên hội thảo tổng thể cùng ngày, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN triển khai các giải pháp bảo mật trong thanh toán trực tuyến và Thông tư 17/2024/TT quy định việc mở và sử dụng tài khoản có hiệu lực, số vụ lừa đảo đã giảm rõ rệt. Qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024.

Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.

Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký.

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác. Vì các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh bởi cơ quan thẩm quyền. Nếu chúng ta để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ ngành ngân hàng, mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn còn trên mọi lĩnh vực. Do đó đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với ngân hàng để đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có CCCD để truy xuất được.