Quân đội đảo chính ở Guinea năm 2021. Ảnh: Al Jazeera
"Tần suất" đảo chính ở Tây Phi
Theo The Conversation, trong mỗi thập kỷ của giai đoạn 1958 - 2008, Tây Phi có số vụ đảo chính cao nhất ở châu Phi, chiếm 44,4%. Kể từ năm 2010 đến 2022, có hơn 40 cuộc đảo chính và nỗ lực đảo chính ở châu Phi, trong đó khoảng 20 vụ ở Tây Phi và vùng Sahel - khu vực nằm giữa Bắc Phi và và sa mạc Sahara.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Nước ngoài (có trụ sở tại Mỹ), trong 3 năm qua, khu vực Tây Phi rúng động vì các vụ đảo chính quân sự ở Mali (tháng 8/2020 và tháng 5/2021), Guinea (tháng 9/2021), Burkina Faso (tháng 1/2022) và mới nhất là Niger (tháng 7/2023). Các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp trong khu vực đặt ra một số câu hỏi: Vì sao lại là các quốc gia này? Vì sao các cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn như vậy?
Lịch sử đảo chính ở Tây Phi cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các cuộc binh biến là một số vấn đề lặp đi lặp lại. Các vấn đề này cho thấy nhiều khả năng đảo chính vẫn có thể xuất hiện trong khu vực trong tương lai và những điều cần thay đổi để ngăn các cuộc đảo chính xảy ra.
Theo The Conversation, có thể phân loại nguyên nhân đảo chính ở khu vực Tây Phi thành các tác nhân bên trong và bên ngoài.
Tác nhân bên trong
Quân đội Mali tuần tra tại một căn cứ không quân ở thủ đô Bamako, Mali, năm 2013. Ảnh: The New York Times
Theo The Conversation, dù có một số thành tựu về dân chủ, nhưng bức tranh chính xác về dân chủ ở Tây Phi được mô tả bằng từ hời hợt. Các cuộc bầu cử được tổ chức định kỳ nhưng thiếu đi các yếu tố quan trọng như sự tham gia tích cực, hiểu biết, tôn trọng pháp quyền hay quyền tự do dân sự.
Một cuộc khảo sát về ý định bỏ phiếu ở 16 quốc gia châu Phi cho thấy, cử tri ở một số nước bầu cho các đảng phái nhất định nhưng không phải vì ủng hộ chính sách của các đảng đó mà vì sợ bị các quan chức "trừng phạt" sau cuộc bầu cử.
Một số tổng thống đương nhiệm ở khu vực Tây Phi còn can thiệp vào các điều khoản hiến pháp để nắm quyền lâu hơn. Điều đó gây ra sự bất mãn và là nguyên nhân dẫn đến đảo chính.
Các điều kiện chính trị ở Niger, Mali, Guinea và Burkina Faso có liên quan mật thiết đến quá khứ và hiện tại đầy biến động của mỗi quốc gia.
Niger là một trong những quốc gia sản xuất uranium hàng đầu thế giới nhưng cũng là nước thuộc top nghèo nhất hành tinh. Trong 5 năm qua, thống kê cho thấy những kẻ khủng bố giành kiểm soát tới 40% lãnh thổ của Burkina Faso, khiến 2.500 trường học phải đóng cửa và hơn 1 triệu người phải sơ tán. Tình trạng xung đột ở Mali cũng kéo dài và phức tạp, bắt đầu từ đầu năm 2012 đến nay.
Trên khắp vùng Sahel dân cư thưa thớt và kiểm soát kém, chính quyền địa phương quản lý kém tạo ra các khoảng trống cho các phong trào thánh chiến. Điều này khiến người dân dần mất niềm tin vào chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho cho đảo chính.
Theo nhà xã hội học người Mali, Aly Tounkara, các cuộc khủng hoảng an ninh và "sự thiếu chính trực của các lãnh đạo dân sự" là "mảnh đất màu mỡ" cho các cuộc đảo chính.
Trong thời gian còn là Tổng thống Mali, ông Ibrahim Boubacar Keita hứng chỉ trích gay gắt và bị người biểu tình đòi phải từ chức vì cách phản ứng không hiệu quả với phiến quân Hồi giáo nổi dậy, hàng loạt bê bối tham nhũng cũng như các cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Bất chấp các cuộc đàm phán của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), quân đội Mali đã thực hiện đảo chính, giải tán quốc hội và buộc ông Keita từ chức. Các Tổng thống bị lật đổ ở Guinea và Burkina Faso cũng bị chỉ trích gay gắt vì các biện pháp quản lý phi tự do của họ.
Ảnh hưởng từ bên ngoài
Các cường quốc nước ngoài được cho là có dấu ấn trong những lần binh biến ở Tây Phi. Ảnh minh họa: AA
Ảnh hưởng của nước ngoài và sự cạnh tranh chiến lược khiến các cuộc đảo chính dễ xảy ra hơn ở Tây Phi.
Theo The Conversation, trong 4 thập kỷ tiếp, kể từ thập niên 60, các cuộc đảo chính ở châu Phi diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Nga cạnh tranh ảnh hưởng ở châu lục này.
Tương tự, các cuộc đảo chính gần đây ở Tây Phi cũng có dấu ấn của nước ngoài. Mỹ, Nga và Pháp được cho là có ảnh hưởng tới các cuộc binh biến ở Mali (2020, 2021), Burkina Faso (2022) hay gần nhất là Niger (2023).
Một trong số những nguyên nhân sâu xa dẫn đến binh biến ở Niger là việc quân đội trong nước không hoan nghênh hiện diện của nhiều lực lượng quân đội và căn cứ nước ngoài ở quốc gia Tây Phi này. Quân đội Niger cho rằng việc có quá nhiều lực lượng nước ngoài sẽ khiến quân đội trong nước suy yếu.
4 năm trước, Mỹ mở một căn cứ máy bay không người lái ở Niger dù bị nhiều người phản đối với lý do căn cứ quân sự này có thể biến Niger thành mục tiêu của các phần tử khủng bố, gây thêm bất ổn cho quốc gia này. Năm 2022, Pháp và một số đồng minh châu Âu khác đã rút quân khỏi Mali, nước láng giềng của Niger. Tổng thống Niger khi đó đã mời Pháp đưa số quân này tới đồn trú ở Niger. Giới lãnh đạo quân đội và một số cá nhân có ảnh hưởng lớn ở Niger không hài lòng về việc này.
Tại Mali, các nỗ lực của khu vực và quốc tế để ổn định quốc gia này tập trung quá nhiều vào an ninh mà bỏ qua thất bại trong quản lý. Đây được xem là một yếu tố góp phần gây ra cuộc đảo chính ở quốc gia Tây Phi này năm 2020.
Pháp, Mỹ và EU đã hỗ trợ an ninh cho Mali từ năm 2012 đến năm 2020 nhưng không phát triển chiến lược can dự ngoại giao để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Mali. Việc Paris, Washington và Brussels không đáp ứng các nhu cầu quản lý an ninh cần thiết và quan trọng của người Mali, khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Tây Phi thêm trầm trọng với hệ quả là 2 lần đảo chính trong năm 2020 và 2021.
Assimi Goïta, thủ lĩnh của 2 cuộc đảo chính ở Mali, được cho là đã nhận được sự hỗ trợ và huấn luyện của Mỹ. Ảnh hưởng của Pháp với sự phát triển chính trị ở Tây Phi gần như là chắc chắn vì nhiều nước ở khu vực này từng là thuộc địa cũ của Pháp.
Các học giả của trang The Conversation cho rằng, việc cạnh tranh ảnh hưởng và lợi thế của các cường quốc thế giới ở châu Phi khiến họ tham gia hoặc có tác động vào các cuộc binh biến ở châu lục này.
Nguyễn Thái - (t/h)