Đất hiếm Việt Nam - 'Kho báu' đang chờ khai thác

Admin

"Có người cho rằng phải để lại đất hiếm cho thế hệ mai sau nhưng tôi nghĩ là cần khai thác ngay để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà", PGS.TS. Lê Bá Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm nói.

Đất hiếm là khoáng sản đặc biệt gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Nguyên tố đất hiếm là khoáng sản chiến lược, có giá trị đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ điện tử, kỹ thuật nguyên tử, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, đến lĩnh vực luyện kim và cả chăn nuôi, trồng trọt…

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Từ đó có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm nên đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm bao gồm: mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xe và xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).

Đất hiếm Việt Nam - Kho báu đang chờ khai thác - Ảnh 1.

Việt Nam dự kiến khai thác hơn 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm. Ảnh: Saigon Times

Ngoài Đông Pao, còn có mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Hơn nữa, nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

PGS.TS. Lê Bá Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đất hiếm tăng mạnh. Tuy nhiên, công tác khai thác, chế biến đất hiếm từ nguồn tài nguyên đất hiếm Việt Nam vẫn chưa được phát triển. Đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp đang vận hành nhà máy tuyển đất hiếm, còn các doanh nghiệp khác đều đang trong quá trình xem xét và chuẩn bị.

Cụ thể, CTCP Đất hiếm Thái Dương là chủ mỏ đất hiếm Yên phú, Yên Bái đang vận hành nhà máy tuyển đất hiếm từ mỏ Yên Phú với công suất 12.000 tấn tinh quặng/năm và đang chuẩn bị đầu tư nhà máy thủy luyện tinh quặng đất hiếm Yên Phú.

Cùng với đó, CTCP Đất hiếm Việt Nam đang vận hành nhà máy phân chia tinh chế đất hiếm nhẹ. Đồng thời, công ty đang thực hiện dự án mở rộng phân xưởng phân chia đất hiếm nặng từ tổng đất hiếm Yên Phú với sự hộ trợ của Bộ KH&CN và sự phối hợp của Viện Công nghệ xạ hiếm.

Ngoài ra, CTCP Đất hiếm Lai Châu (chủ mỏ đất hiếm Đông Pao), CTCP Đất hiếm Tây Bắc (chủ mỏ đất hiếm Nậm Xe) và một số doanh nghiệp khác đều đang trong giai đoạn chuẩn bị cho dự án đầu tư nhà máy chứ chưa đi vào hoạt động.

Về một số mỏ được cấp phép đã lâu nhưng chưa đi vào hoạt động, ông Thuận cho hay, có thể nguyên nhân do bài toán đầu tư kinh tế của mỗi chủ đầu tư nên các mỏ vẫn "đang chuẩn bị" sau nhiều năm.

"Qua làm việc và trao đổi với một số doanh nghiệp, tôi đều thấy họ nói rằng đang gặp khó khăn trong vấn đề công nghệ chế biến nhưng lại chưa thấy họ thúc đẩy để có được công nghệ đó.

Như nơi tôi làm việc là Viện Công nghệ xạ hiếm đã có nhiều năm nghiên cứu về công nghệ và mọi thứ liên quan đến đất hiếm nhưng chưa thấy nhiều doanh nghiệp đến hợp tác dù họ vẫn nói rằng đang rất cần công nghệ đó", ông Thuận chia sẻ.

Cần khai thác ngay đất hiếm để thúc đẩy kinh tế

Theo PGS.TS. Lê Bá Thuận, hiện nay, chưa có tính toán cụ thể nào về giá trị trữ lượng đất hiếm của Việt Nam. Từng có tài liệu công bố rằng giá trị vốn hóa của 22 triệu tấn đất hiếm là khoảng 3000 tỷ USD.

Tuy nhiên, xem xét về giá trị của đất hiếm phải bằng 2 cách. Thứ nhất, bên cạnh giá trị vốn hóa định giá ban đầu của một mỏ đất hiếm, cần tính toán thêm chi phí khai thác, hiệu quả khai thác để ra được lời/lãi của mỏ đó.

Thứ hai, giá trị của đất hiếm phải đánh giá bằng việc khai thác và chế biến đất hiếm sẽ kéo theo nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, lôi kéo được công nghệ cao của nước ngoài vào để sử dụng đất hiếm đó ở Việt Nam. Đồng thời, đánh giá được sức ảnh hưởng về uy tín và vị thế của nền kinh tế trong nước.

Như vậy, việc khai thác, chế biến đất hiếm không chỉ tác động về giá trị vốn mà còn mang lại sức ảnh hưởng về vị thế kinh tế, chính trị. "Có người cho rằng phải để lại đất hiếm cho thế hệ mai sau nhưng tôi nghĩ là cần khai thác ngay để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nước nhà", PGS.TS. Lê Bá Thuận nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thuận, việc khai thác đất hiếm không đơn giản bởi phải sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn môi trường về phóng xạ, hóa chất... Với những cá nhân khai thác tự do chắc chắn sẽ không đảm bảo an toàn môi trường. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.

"Giá trị của đất hiếm của Việt Nam rất lớn và có nhiều ý nghĩa quan trọng nhưng chưa được tận dụng một cách triệt để. Do vậy, rất cần các chính sách cụ thể để kiểm soát, giám sát cũng như khai thác bài bản, phù hợp. Trong đó, cần đảm bảo các yếu tố về công nghệ khai thác để đảm bảo về môi trường an toàn phóng xạ, sức khỏe và việc khai thác cũng cần bền vững, lâu dài", ông Thuận nói.