Trên hệ thống kiểm soát của các đơn vị quản lý hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cua Cà Mau đều tuân thủ quy định và làm “đúng quy trình”. Thế nhưng, quy trình chỉ được thực hiện trên giấy, còn thực tế, những khâu quan trọng nhất lại bị cắt bỏ.
Vẫn trong vai những nhà buôn đi gom cua xuất khẩu, chúng tôi tìm đến các vựa cua có số má tại Cà Mau. Mạnh miệng trả giá cao, sẵn sàng thanh toán tiền trước, lớn giọng hứa hẹn làm ăn lâu dài… song chúng tôi vẫn không thể nào “bắt mối” vì lý do: Đang có hợp đồng với code cũ.
Từ khóa “code cũ” vén màn cho chúng tôi nhiều sự thật bất ngờ.
Tại một vựa cua trên quốc lộ 1A, chủ vựa tên V. tự tin khẳng định mình là một trong 3 tay buôn cua sừng sỏ nhất Cà Mau. Bình quân mỗi ngày, vựa ông V. xuất khoảng vài tấn qua biên giới, có thời điểm cua nhiều, vựa của ông xuất tới chục tấn.
Nhân công đông, cơ sở vật chất tốt, đóng gói hàng khá bài bản, chúng tôi suýt nhầm tưởng đây là một cơ sở sản xuất được cấp code xuất khẩu. Nhưng không, đây vẫn chỉ là một vựa gom cua lẻ, nằm ngoài sự kiểm soát của các đơn vị chức năng.
“Chỗ tui là vựa, đâu phải công ty. Tui gom từ lái, nhưng mà tui đi thẳng luôn, bán thẳng qua bên kia trong ngày luôn”, ông V. nói.
Thấy chúng tôi thắc mắc về quy trình xuất khẩu quá dễ dàng, ông V. phân bua: “Nói thì nghe gọn vậy chứ phải có đủ thủ tục hết. Tụi tui đi một lúc mấy code mà. Giờ đang đi 3 code nè”.
Vừa nói, ông V. vừa chỉ vào khung sắt có kích thước bằng nửa tờ A4, được chạm sẵn 5 ký tự gồm cả số và chữ cái, cho biết, đây là dụng cụ để đánh dấu mã khi vận chuyển hàng. Tại cửa khẩu, trước khi qua biên, các thùng hàng sẽ được dán code dựa trên mã được đánh dấu.
“Tui chỉ cần đảm bảo lượng hàng thôi, còn code thì thuê hết mà”, ông V. nói và không quên nhắc chúng tôi nếu muốn chen chân vào thị trường này thì phải có mối, phải biết chỗ thuê code.
Tương tự, tại thủ phủ cua Năm Căn, vựa cua của ông T. bề thế, tọa lạc trên mặt tiền quốc lộ 1A. Với hơn 12 năm làm nghề, ông T. được người dân Cà Mau rỉ tai nhau là trùm cua.
Ngỏ ý cần mối cung cấp cua lâu dài, mỗi ngày khoảng 2 tấn, tiền sẽ được chuyển trước mỗi ngày, song ông T. vẫn từ chối chúng tôi.
“Làm hơn chục năm rồi, cũng quen nhau cả rồi. Nói thật là tui đang làm hợp đồng với code cũ, giờ buông không được”, ông T. chậc lưỡi. Chúng tôi thấy được sự tiếc nuối của trùm cua Năm Căn khi buộc phải bỏ qua mối lợi.
Trùm cua Năm Căn khẳng định, hiện nay, 99% hàng cua xuất khẩu đều đi thẳng từ các vựa. Bởi hầu hết các cơ sở sản xuất được cấp code hiện chỉ được dựng lên để hợp thức về mặt pháp lý, không hề hoạt động.
Ngoài những vựa được chỉ định code như của ông V., các vựa còn lại sẽ chủ động thuê code.
“Chung quy lại các code được cấp cũng chỉ để cho thuê thôi. Mấy chỗ mà xin được code ít ai sản xuất, xuất khẩu lắm. Họ xin rồi cho thuê, như tui đang thuê mấy code đây.
Ngày xưa giá code cao, cứ 1 kg cua tui xuất đi thì phải trả cho chỗ cho thuê code 5.000 đồng. Ngày xuất 2 tấn thì phải trả 10 triệu đồng, như vậy thì mỗi tháng riêng tiền thuê code đã tốn gần 300 triệu đồng. Nhưng mà giờ thì mấy chỗ chuyên xin code họ xin được nhiều hơn, nên giá cho thuê cũng thấp hơn”, ông T. cho hay.
Thời gian “nằm vùng” tại Cà Mau đủ để chúng tôi khẳng định, cơ sở vật chất của các vựa cua tại đây nếu được “tút tát” thì không kém cạnh những cơ sở được cấp code sản xuất, xuất khẩu. Vậy lý do gì, những vựa cua này không tự xin cấp code mà phải đi thuê với mức giá không hề rẻ?
Cùng một thắc mắc, chúng tôi đem hỏi cả ông V. và ông T.
Trước câu hỏi của chúng tôi, ông V. cười lớn: “Anh chị đi buôn mà hỏi ngây thơ vậy, cứ xin là được thì nói làm gì nữa. Để xin được một cái code đâu dễ, đâu phải cứ làm đúng yêu cầu sẽ được cấp đâu. Thuê dễ nhưng khó xin, phải quen biết, phải có mối mới xin được”.
Ông V. cũng thừa nhận với chúng tôi, trước kia, ông từng làm thủ tục xin cấp code nhưng không được duyệt.
Như một quy tắc ngầm, code chỉ được cấp cho một vài doanh nghiệp “đặc biệt”. Những doanh nghiệp này không thực sự sản xuất, xuất khẩu hàng hóa mà chỉ có chức năng… chuyên cho thuê code.
Còn trùm cua T., từ lâu, đã xem việc thuê code như một khâu bắt buộc trong quy trình xuất khẩu của mình.
“Bên tui thì có chỗ đi rồi, đi cũng tương đối nhiều. Trước tui chuyên đi code Công ty Hoàng Anh, rồi Gia Thành… Nhưng mấy nay bên đó có thay đổi sao đó, giờ tui đang đi code khác.
Code đợt này nhiều, mới ra 16 cái luôn mà, nên tha hồ thuê. Giá thuê giờ cũng tùm lum tà la hết à. Không thể xin thì giờ mình phải chấp nhận thuê thôi, thuê từ trước tới giờ cũng quen rồi. Biết là sai nhưng vẫn phải làm thôi”, ông T. cho hay.
“Nằm vùng” lâu, chúng tôi mới nhận ra thủ thuật thuê code không còn lạ lẫm đối với giới buôn ở thủ phủ cua Cà Mau. Từ người nuôi cua, cho tới thương lái gom cấp 1 - cấp 2, hay vựa nhỏ - vựa vừa, và cả vựa lớn, ai cũng nằm lòng quy trình xuất khẩu cua, đó là trước khi xuất khẩu, cua phải được đưa về cơ sở sản xuất được cấp code để kiểm tra.
Còn theo ông Nguyễn Đình Thụ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nam Bộ (thuộc NAFI), quy trình xuất khẩu thủy sản đã được Bộ NN&PTNT quy định rõ qua các thông tư.
Trong đó, có hai yếu tố quan trọng, bắt buộc: Doanh nghiệp xuất khẩu phải có cơ sở sản xuất đạt chuẩn được cấp code vận hành, và lô hàng xuất khẩu phải được đưa về cơ sở sản xuất để kiểm tra trước khi xuất khẩu.
Một cơ sở để được cấp code phải đạt rất nhiều chỉ tiêu. Sau khi thẩm định, đủ yêu cầu, Chi cục mới gửi hồ sơ lên NAFI. Tiếp đó NAFI sẽ gửi qua hải quan nước nhập khẩu để chờ xét duyệt. Đạt yêu cầu, hải quan nước này sẽ cấp mã code để quản lý từng cơ sở sản xuất khi xuất khẩu hàng hóa vào địa phận. Với quy trình này, có thể thấy, một cơ sở sản xuất để được cấp mã code xuất khẩu là một quá trình gian nan.
Quy trình là vậy, song thật khó tìm được một doanh nghiệp nào tuân thủ yêu cầu.
Ông K., chủ một chành xe tại TP Cà Mau chuyên chở cua đi TP.HCM, khẳng định, đến 90% doanh nghiệp xuất khẩu cua tại đây đều bỏ qua công đoạn kiểm tra cua tại cơ sở được cấp code trước khi xuất khẩu.
“Tui chở một lần cho mấy code, mấy code đó hầu hết ngoài Bắc là nhiều, chứ có cơ sở gì trong đây đâu. À cũng có và cái ở TP.HCM với Cà Mau luôn, nhưng mà code thì cho thuê tùm lum, cho xong thủ tục thôi. Tại cua đi thẳng hết, có qua cơ sở gì đâu, vựa nó đã làm xong hết rồi”, ông K. nói.
Ông K. cũng không ngại kể cho chúng tôi một vài cái tên quen thuộc như: Hoàng Anh, Gia Thành, Hoàng Trang, Anh Linh... những doanh nghiệp được cấp code xuất khẩu.
Hiện mỗi ngày, chành xe của ông K. đều có xe chở cua đi TP.HCM, xuất phát khung giờ 20 - 23h. Trên những chuyến xe này là cua được gom từ nhiều vựa, của nhiều chủ khác nhau, nhưng đều đã được đánh dấu sẵn mã code của các doanh nghiệp kể trên.
Thông tin này khiến chúng tôi tò mò về các cơ sở sản xuất được cấp code của những doanh nghiệp trên. Thật sự có cơ sở sản xuất hay không, hay chỉ là những cơ sở “trên giấy”? Và nếu có, thì hiện trạng chúng ra sao, tại sao có cơ sở nhưng không hoạt động đúng quy định?