Đêm thứ hai liên tiếp, Nga không kích cảng Odesa của Ukraine
Admin
13:30 19/07/2023
Thống đốc vùng Odesa cho biết, các hệ thống phòng không của Ukraine đã được kích hoạt vào sáng sớm ngày thứ Tư nhằm phản kháng một cuộc không kích của Nga.
Quân đội Nga đã tổ chức không kích các cảng của Ukraine vào thứ Ba, chỉ một ngày sau khi rút khỏi thỏa thuận bảo hộ xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen do Liên Hợp Quốc (LHQ) trung gian, một quyết định dẫn tới nhiều lo ngại về khả năng tăng giá lương thực và xảy ra nạn đói tại các nước châu Á và châu Phi.
Trên kênh Telegram, thống đốc Odesa ông Oleh Kiper đã viết: “Tuyệt đối không lại gần các cửa sổ, không quay lại hay đăng tải các hình ảnh lực lượng phòng không hoạt động”.
Toàn miền Đông Ukraine đã được đưa vào trạng thái báo động không kích, bắt đầu từ lúc sau nửa đêm thứ Tư.
Ngoài ra, trong các báo cáo chiến sự gần đây, chính quyền Moscow và chính quyền Kyiv đã đưa ra những con số hoàn toàn trái ngược về tình hình chiến sự tại vùng Đông Bắc Ukraine vào thứ Ba vừa rồi.
Sau sáu tuần kể từ khi Ukraine tổ chức cuộc phản công ở miền Đông và miền Nam, quân đội Nga cũng đã bắt đầu tổ chức một cuộc tiến công trên bộ tại miền Đông Bắc. Chính quyền Moscow khẳng định, cuộc phản công của Ukraine đã thất bại.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng nước này đã tiến thêm 2km về phía Kupiansk, một trạm trung chuyển đường sắt quan trọng tại phía Đông Bắc vùng Kharkiv.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine bà Hanna Maliar cho biết, thế chủ động tại khu vực này đã vừa nghiêng về phía Ukraine.
Bà cũng cho biết, lực lượng Ukraine đã tiến thêm tại khu vực phía Đông Bakhmut.
Valery Shershen, phát ngôn viên của quân đội Ukraine trên chiến trường miền Nam, đã báo cáo chiến sự căng thẳng diễn ra quanh làng Staromayorske. Khi được phỏng vấn bởi kênh truyền hình trực tuyến Espreso TV, Shershen cho biết, lực lượng đã có nhiều bước tiến trên đường phố tại đây, nhưng vẫn chưa chiếm lại hoàn toàn quyền kiểm soát ngôi làng này.
Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng của chính quyền Moscow đã bắt đầu "cọ xát" với các binh lính Ukraine xung quanh làng Staromayorske.
Kể từ khi Ukraine tổ chức cuộc phản công vào tháng 6 vừa rồi, lực lượng vũ trang được trang bị khí tài trị giá lên tới hàng tỷ USD của nước này vẫn chưa thực hiện được cuộc tấn công đột phá nào trên tuyến phòng thủ của Nga.
LHQ vẫn tiếp tục tìm phương hướng cho ngành xuất khẩu ngũ cốc
Vào thứ Ba, tại LHQ, phát ngôn viên của LHQ ông Stephane Dujarric cho biết, có “một số ý kiến đã được đề ra” về việc giúp đưa ngũ cốc và phân bón của Ukraine, Nga tới thị trường thế giới. Quyết định rút khỏi thỏa thuận của chính quyền Moscow gây ra nhiều lo ngại về tăng giá lương thực và xảy ra nạn đói chủ yếu tại các quốc gia châu Phi, châu Á.
Thỏa thuận Biển Đen mà LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra trung gian vào tháng 7/2022 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu thốn lương thực toàn cầu càng trở nên tồi tệ hơn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt và phong tỏa các cảng tại nước này. Cả hai nước đều nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Về phía Ukraine, tổng thống Ukraine ông Volodymyr Zelensky cho biết, quốc gia này “đang chiến đấu vì an ninh toàn cầu và vì lợi ích của nhà nông Ukraine”, và đang tìm các giải pháp nhằm thực hiện cam kết về cung cấp lương thực.
Chính quyền Moscow đã gạt bỏ những lời kêu gọi từ Ukraine, yêu cầu cho phép xuất khẩu lương thực trong lúc Nga không tham gia thỏa thuận. Điện Kremlin đã công khai khẳng định, các tàu di chuyển trong khu vực này mà không có sự chấp thuận của Nga sẽ phải đối mặt với nguy hiểm.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Đây là một khu vực nằm sát biên chiến trường. Nếu không có những đảm bảo an ninh phù hợp, nhiều nguy cơ có thể xảy ra tại khu vực này. Vì vậy, bất kỳ thỏa thuận nào được chính thức hóa mà không có sự thông qua của Nga đều nên cân nhắc về các rủi ro trên”.
Chính phủ Nga cho biết, nước này có thể tham gia thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc trở lại, nhưng với điều kiện các yêu cầu xung quanh xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga được thỏa mãn. Các quốc gia phương Tây đánh giá, đây là quyết định lợi dụng đòn bẩy kiểm soát nguồn cung cấp lương thực để ép nới lỏng các lệnh trừng phạt tài chính, mặc dù các lệnh trừng phạt này đã cho phép Nga xuất khẩu lương thực.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)