Một nhóm người Niger vẫy cờ Nga khi tập trung trên đường phố thủ đô ngày 6/8 để ủng hộ phe đảo chính. (Ảnh: AP)
Khi đến hạn, không phận của Niger bị đóng lại do "mối đe dọa can thiệp từ các nước láng giềng", Đại tá Amadou Abdramane, lãnh đạo phe đảo chính Niger, nói trong tuyên bố bằng video được phát trên truyền hình nhà nước tối 6/8.
Cuộc đảo chính quân sự xảy ra vào cuối tháng 7, khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị lực lượng cận vệ bắt giữ, các cơ quan quốc gia bị đóng cửa và người biểu tình của cả hai phía xuống đường.
Hàng ngàn người Niger ủng hộ cuộc đảo chính quân sự, nhưng Mỹ và một số quốc gia phương Tây và các nước Tây Phi lên án, đe dọa can thiệp bằng vũ lực.
Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cảnh báo rằng nếu chính quyền quân sự Niger không từ bỏ, họ có thể phải đối mặt với sự can thiệp quân sự. ECOWAS đặt ra thời hạn đến ngày 6/8 để phe đảo chính nhường quyền.
Nếu chính quyền quân sự vẫn nắm quyền, ECOWAS tuyên bố sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp”, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực.
Khối này còn áp lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các quan chức quân đội tham gia hành động đảo chính, cũng như đối với gia đình họ và những người tham gia bất kỳ thể chế hoặc chính phủ nào hình thành sau đảo chính.
Pháp và Liên minh châu Âu cắt viện trợ tài chính cho Niger sau cuộc đảo chính.
Chiều 6/8, hàng nghìn người tập hợp tại Niamey, thủ đô của Niger, để bày tỏ ủng hộ đối với chính quyền quân sự và lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt do ECOWAS áp đặt.
Các lãnh đạo đảo chính xuất hiện tại một cuộc biểu tình ở sân vận động, nơi một con gà được trang trí bằng màu sắc của nước Pháp bị cắt tiết để ăn mừng.
Phe đảo chính tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào cũng sẽ bị “lực lượng quốc phòng và an ninh của Niger đáp trả ngay lập tức và không báo trước”.
Trước thời hạn, các lãnh đạo của ECOWAS đã nhóm họp ở Nigeria vào tuần trước để thống nhất kế hoạch phản ứng mà họ nói là biện pháp cuối cùng.
“Tất cả yếu tố dẫn đến bất kỳ sự can thiệp cuối cùng nào đều đã được vạch ra ở đây và đang được điều chỉnh, bao gồm thời gian, nguồn lực cần thiết, cách thức, địa điểm và thời điểm chúng tôi sẽ triển khai một lực lượng như vậy”, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, cho biết.
Algeria và Chad, hai nước nước láng giềng không thuộc ECOWAS và có quân đội mạnh trong khu vực, cho biết họ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc sẽ không can thiệp quân sự. Hai nước láng giềng khác là Mali và Burkina Faso đều ủng hộ đảo chính, tuyên bố rằng hành động can thiệp từ bên ngoài sẽ bị coi là " tuyên chiến” chống lại họ.
Hiện vẫn chưa rõ ECOWAS sẽ làm gì tiếp theo. Hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành đã hò reo chào đón sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính và thể hiện thái độ thách thức với mối đe dọa ECOWAS và sự hiện diện lâu dài của Pháp ở khu vực. Một số người vẫy cờ Nga.
“Tất cả chúng ta sẽ đứng lên và chiến đấu như một người. Chúng tôi yêu cầu bạn sẵn sàng”, tướng Mohamed Toumba, một trong những người lãnh đạo cuộc đảo chính, phát biểu.
Theo CNN, AP