Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai làm việc tại Bình Thuận

Admin

Trên địa bàn Bình Thuận xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, sét đánh cục bộ; mưa to gây lũ, ngập lụt; gió mạnh; sạt lở đất...xảy ra ở một số địa phương.

Ngày 15/8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Bình Thuận xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, sét đánh cục bộ; mưa to gây lũ, ngập lụt; gió mạnh; sạt lở đất, sạt lở bờ biển tại Bắc Bình, Tuy Phong, Phan Thiết, sự cố, tai nạn tàu thuyền…

Sự kiện - Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai làm việc tại Bình Thuận

Buổi làm việc của Đoàn công tác tại UBND tỉnh ngày 15/8. (Ảnh:H.T)

Hậu quả, thiên tai đã khiến 5 người chết và 31 người bị thương, 21 hộ dân phải di dời. Mưa to, gió lớn đã làm 347 căn nhà bị sập, tốc mái, ngập, hư hỏng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 14.700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 15 lồng bè và 36 ha nuôi cá truyền thống bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 135 tỷ đồng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng cho biết, công tác triển khai, phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh có sự thuận lợi, ngày càng đi vào nề nếp, từ đó hạn chế thiệt hại do thiên tai xảy ra. Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo rà soát, cập nhật bổ sung, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ. Sau thiên tai, sự cố xảy ra đều huy động từ nhiều nguồn vốn để tái thiết, khắc phục hậu quả và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Thế nhưng, việc xử lý từng tình huống cụ thể, đôi khi còn lúng túng; đội ngũ cán bộ các cấp còn kiêm nhiệm và chưa có nhiều kinh nghiệm; nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai còn ít, chỉ đáp ứng một phần so với yêu cầu…Lãnh đạo tỉnh mong muốn đoàn công tác của Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để địa phương xây dựng kè kiên cố tại các khu vực bị sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp để đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình hiện nay.

Sự kiện - Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai làm việc tại Bình Thuận (Hình 2).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc.(Ảnh:H.T)

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và thành viên đoàn công tác, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Bình Thuận trong công tác phòng chống thiên tai thời gian qua. Đồng thời cho rằng tỉnh Bình Thuận có nhiều dạng thiên tai khác nhau, đối mặt với nguy cơ xảy ra thiên tai lớn như gây sạt lở, chịu tác động của đợt mưa ngắn nhưng lượng mưa lớn.

Vì vậy, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong tỉnh Bình Thuận nâng cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là, mất tập trung. Đồng thời, đề nghị tỉnh tập trung phổ biến kỹ năng, tập huấn nâng cao kiến thức về phòng chống thiên tai ở các cấp. Mặt khác tăng cường đào tạo, đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng chống thiên tai, nhất là nguyên tắc “4 tại chỗ” hiệu quả, kịp thời di dời tài sản, đảm bảo tính mạng con người. Cùng với đó, triển khai ứng dụng công nghệ số, có nhiều cách thông tin liên lạc khác nhau triển khai đến người dân và thành viên ban chỉ đạo…

Sự kiện - Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai làm việc tại Bình Thuận (Hình 3).

Kè chắn sóng tại khu phố 1, phường Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết. (Ảnh:H.T)

Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành đã có chuyến kiểm tra thực địa ở khu vực sạt lở tại Khu phố 1, phường Hàm Tiến, Tp.Phan Thiết.