Doanh nghiệp 'cảm ơn' 200 triệu đồng, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nói 'chưa đủ'

Admin

Luật sư Hà Mạnh Quy – luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã hỏi một số doanh nghiệp trong việc thực hiện đưa tiền cho bị cáo Phạm Trung Kiên. Người đầu tiên trả lời câu hỏi của luật sư Hà Mạnh Quy là bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH G19 Việt Nam.

Tại phiên toà sáng nay (14/7), bà Hạnh xác nhận vào phiên làm việc chiều qua (13/7), bà đã bác bỏ một đoạn nội dung trong bản khai mà phía Viện Kiểm sát đưa ra tại tòa.

"Trong biên bản mà Viện Kiểm sát đưa ra, tôi nhớ có câu cuối cùng trước khi kết thúc biên bản đó là: "Tôi đã hành động theo luật bất thành văn, chính vì thế tôi đưa tiền cho các đơn vị" và có liệt kê tên các đơn vị, tôi xin được bác bỏ câu đó" – bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh nói.

Theo lời khai của bị cáo Hạnh, vị Giám đốc Công ty TNHH G19 Việt Nam đã chủ động gọi điện cho cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế để liên hệ.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc khi chủ động gọi ông Kiên thì ông này có đòi hỏi, ép buộc bà Hạnh phải chi phí hay thực hiện việc đưa tiền không, bị cáo Hạnh cho biết cuộc gặp của họ rất ngắn gọn.

Khi bị cáo Hạnh đến gặp Phạm Trung Kiên thì có mang theo một túi quà đã chuẩn bị sẵn.

"Như tôi đã nói, tôi cũng có tham khảo của các doanh nghiệp đã làm trước, tôi có đưa cho anh ấy, tôi có chủ động nói rằng trong này chị để 200 triệu đồng cảm ơn em. Anh Kiên nói cũng rất nhẹ nhàng thôi, cũng không hạch sách gì và thái độ của anh rất lịch sự. Anh nói là "chưa đủ chị ạ"" – bà Hạnh khai.

Cũng theo lời khai của Giám đốc Công ty TNHH G19 Việt Nam, cuộc nói chuyện với Phạm Trung Kiên diễn ra như thế nào bà không thể nhớ chính xác giữa họ đã nói những gì.

Doanh nghiệp cảm ơn 200 triệu đồng, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nói chưa đủ - Ảnh 1.

Luật sư bào chữa của Phạm Trung Kiên hỏi bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh - giám đốc 1 doanh nghiệp về việc đưa hối lộ cho Kiên

"Nhưng cuối cùng Kiên cũng không đòi hỏi là thiếu bao nhiêu, phải thêm bao nhiêu, còn tôi chủ động chuyển khoản thêm 200 triệu đồng nữa" – bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh trình bày.

Về việc chuyển tiền cho bị cáo Phạm Trung Kiên, bị cáo Hạnh nói không căn ke, vì là sự cảm ơn.

"Thứ nhất là cảm ơn, thứ hai là chia sẻ thành công của mình, thứ ba là các doanh nghiệp khác có quà thì mình cũng nên có một chút quà, thứ tư nếu thành công thì sau này cũng có thể tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp giúp nhau" – bị cáo Hạnh khai.

Với Phạm Trung Kiên, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, Kiên khai Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và dự thảo trả lời cho Bộ Ngoại giao là Cục Y tế Dự phòng.

Trong nhiệm vụ của mình, Kiên tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị trình, sau đó trình Thứ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ có ý kiến xét duyệt thì trả lại cho Văn phòng Bộ Y tế và các đơn vị chức năng.

Kiên cũng khẳng định không có quyền quyết định việc đồng ý, không đồng ý khi công văn của Bộ Ngoại giao gửi sang xin ý kiến của Bộ Y tế với các chuyến bay.

Theo luật sư bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên, Kiên bị cáo buộc nhận 42 tỷ đồng, trong đó có 13 tỷ đồng tiền mặt, 29 tỷ đồng tiền chuyển khoản qua tài khoản của Kiên và mẹ vợ của Kiên.

Trả lời về lý do xác định được số tiền mặt trên, bị cáo Phạm Trung Kiên khai chỉ nhớ việc có gặp các đại diện doanh nghiệp, các đại diện có chuyển tiền.

"Còn về con số, bị cáo cũng tin tưởng vào sự chính xác của cơ quan điều tra trong quá trình làm việc, bị cáo xác nhận số tiền như vậy" – Phạm Trung Kiên khai.

Kiên cũng trình bày, sau khi nhận thức được những hành vi sai trái của mình liên quan đến việc nhận tiền của các doanh nghiệp, bị cáo này đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra. Bị cáo cũng khai nhận việc còn nhận tiền của một số đại diện liên quan đến Bộ Y tế xét duyệt cho các khách lẻ về nước, giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021.

Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Kiên đã thúc giục gia đình thu xếp bằng mọi giá để trả lại tiền cho các doanh nghiệp, khoảng 12 tỷ đồng.