Đối thoại chính sách Tp.HCM: "Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển"

Admin

Nhắc lại bài phát biểu của đại biểu đến từ Hàn Quốc, Thủ tướng cho rằng phát triển công nghiệp phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của quốc gia chứ không nhất thiết là công nghiệp hoá đơn thuần.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM 2024 lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh với các khách mời, tập đoàn trong và ngoài nước để làm cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp.

Điều phối chương trình, TS. Trần Du Lịch bày tỏ "đặt câu hỏi với Thủ tướng là khó nhất" và mong Thủ tướng có đôi lời chia sẻ với buổi đối thoại.

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết "đính chính" lại ý kiến của TS. Trần Du Lịch rằng đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là "khó nhất" mà là "dễ nhất". Thủ tướng cũng bày tỏ niềm tự hào về Tp.HCM khi Diễn đàn tổ chức lần thứ 5, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.

Đối thoại chính sách Tp.HCM: "Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển"- Ảnh 1.

Phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM chiều 25/9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì (Ảnh: VGP).

Đặt câu hỏi, TS. Trần Du Lịch yêu cầu Thủ tướng nói rõ hơn về chính sách nổi bật để thúc đẩy nhanh nền kinh tế, cụ thể là chuyển đổi công nghiệp để cả doanh nghiệp lớn, nhỏ đều có thể thực hiện?

Được phân công trả lời, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về chính sách tổng thể đã có những cấp độ văn bản khác nhau đối với chuyển đổi nền kinh tế nói chung ở khái niệm rộng và chuyển đổi công nghiệp nói riêng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về đổi mới, sáng tạo.

Hiện nay, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể trong chiến lược 10 năm đã được Đại hội Đảng XIII thông qua, đã vạch rõ đường lối, chủ trương, quyết sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Ở góc độ triển khai cụ thể cũng đã có những văn kiện doanh nghiệp có thể tham khảo, như các kế hoạch 5 năm và hàng năm đã vạch ra các bước đi cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế", ông Phương cho hay.

Đối thoại chính sách Tp.HCM: "Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển"- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại diễn đàn (Ảnh: VGP).

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi nền kinh tế gồm: Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công.

"Đây là 3 trọng tâm để thúc đẩy tác động đến chuyển đổi nền kinh tế. Bên cạnh đó có những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…", ông Phương nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp có nhấn mạnh 2 quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép) đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Hiện nay để thực hiện thành công thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết.

Đến nay, trong số các chính sách đã ban hành, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng là Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip.

"Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.

Đối thoại chính sách Tp.HCM: "Muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển"- Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời tại diễn đàn (Ảnh: VGP).

Trả lời thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ thống chính trị của Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý (trong đó có Chính phủ), nhân dân làm chủ. Đảng đưa ra đường lối phát triển về công nghiệp trong giai đoạn hiện nay trong đó có Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII; Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 về công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Nhiệm vụ của Chính phủ là phải thể chế hóa các nghị quyết này một số nhiệm vụ vừa được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

"Chính phủ phải nắm chắc tình hình, hiện nay quốc tế, khu vực, trong nước như thế nào liên quan đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam, chúng ta cũng phải hiểu mình thế nào", Thủ tướng nói.

Nhắc lại sự kiện sáng nay, Thủ tướng chia sẻ bài trình bày của đại biểu đến từ Hàn Quốc có nói đến việc phát triển công nghiệp phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của quốc gia chứ không nhất thiết là công nghiệp hóa đơn thuần hay là các ngành công nghiệp đơn thuần khác.

"Tôi muốn nói để thấy rằng thể chế hóa cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế của thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Làm sao để vực dậy đà tăng trưởng của “đầu tàu” kinh tế Tp.HCM?Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM sẽ bàn giải pháp "xanh hóa" nền kinh tế

Về xây dựng thể chế, Thủ tướng cho biết vừa qua Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội sửa rất nhiều Luật trong đó có Luật Giao dịch điện tử, Luật Dữ liệu, Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm "muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển", đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải huy động được sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế.

"Như từ sáng đến giờ nghe chia sẻ của bạn bè quốc tế đã giúp chúng ta có nhiều kiến thức hơn, kinh nghiệm hơn, bản lĩnh tự tin hơn để thực hiện chuyển đổi. Việc chuyển đổi này là yêu cầu khách quan lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hiện nay", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.