Dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình chờ "giải cứu"

Admin

Dự án dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào tháng 5-2023 nhưng đến nay ước mới đạt trên 70% khối lượng công việc.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài xấp xỉ 30 km, khởi công vào tháng 6-2018 và dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào tháng 5-2023, thu hồi vốn qua thu phí 23 năm. Tuy nhiên, đến nay, dự án đang rơi vào bế tắc. Chủ đầu tư phải tạm ngưng thi công dự án, nằm chờ "giải cứu".

Dự án này có 20,7 km qua TP Hải Phòng, còn lại là trên địa bàn tỉnh Thái Bình, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt, điểm đầu tại nút giao đường tỉnh 353 thuộc quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng), điểm cuối trên Quốc lộ 37 mới, khớp nối với dự án đường ven biển qua địa phận huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình chờ giải cứu - Ảnh 1.

Dự án còn nhiều hạng mục dang dở nhưng phải dừng lại

Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.700 tỉ đồng do nhà đầu tư (Liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ) huy động vốn chủ sở hữu cộng với vốn vay và vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương. Trong đó, vốn nhà nước tham gia là từ trái phiếu Chính phủ (720 tỉ đồng) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hải Phòng. Doanh nghiệp được chủ đầu tư giao trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (quản lý dự án đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển), cho hay đến nay tổng thể dự án ước mới đạt trên 70% khối lượng công việc.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng, trong quá trình thi công, các nhà thầu gặp khó khăn nên dự án bị chậm so kế hoạch. Hiện Hải Phòng và nhà đầu tư đang phối hợp để giải quyết những vướng mắc, dự án chắc chắn không hoàn thành như dự kiến. Phần vốn chủ sở hữu 900 tỉ đồng, nhà đầu tư đã góp đủ nhưng phần vốn vay thì đang chờ điều chỉnh lãi suất trước. Ngoài ra, giá cát tăng đột biến 2,5 lần so với dự toán ban đầu là nguyên nhân chính của việc đội giá, đồng thời nguồn cát khan hiếm cũng đã làm chậm tiến độ công trình. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây nên khan hiếm nhân công, tác động của một số thay đổi cơ chế chính sách như thắt chặt tín dụng, không tiếp tục thực hiện mô hình BOT... cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: "Trước mắt thành phố xem xét cho dự án được gia hạn lần hai vì những khó khăn khách quan bất khả kháng mà chủ đầu tư gặp phải để tránh cho họ bị phạt chậm tiến độ theo hợp đồng đã ký. Còn việc điều chỉnh hợp đồng về cơ chế tài chính và thời hạn thu phí BOT, thành phố phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết".