Phiên bản SmartTag 2 mới nhất của Samsung đã bắt đầu bán ra và nhận khá nhiều lời khen, không chỉ thay đổi thiết kế đẹp sang và tiện lợi hơn mà còn trang bị thêm nhiều tính năng mà các smart tags khác chưa có, kể cả AirTags của nhà Táo vốn được đánh giá rất cao. Chưa kể, mức giá của SmartTag 2 trên các trang TMĐT hiện cũng khá rẻ, chỉ khoảng 400.000đ và là hàng chính hãng mới chứ không phải hàng trôi nổi. Chúng tôi cũng đã mua về dùng thử và dưới đây là những trải nghiệm đầu tiên.
SmartTag 2 của Samsung nâng cấp cả tính năng lẫn thiết kế mà giá quá hấp dẫn, chỉ khoảng hơn 400.000đ/cái hoặc khoảng 1.8 triệu đồng/pack 4 cái.
Thiết kế gọn đẹp hơn, có sẵn vòng treo
Samsung năm nay đã thu gọn được kích thước của chiếc tag mới, nhưng lại thêm phần vòng treo vào nửa trên nên tính ra lại to gấp đôi mức cần thiết. Bù lại, người dùng không cần mua thêm vỏ bảo vệ hay móc treo phụ kiện nữa. Nếu so sánh SmartTag 2 của Samsung với AirTag khi đã có vỏ bảo vệ thì lại nhỏ gọn hơn 1 chút.
Thiết kế lỗ xỏ có sẵn dùng tiện nhưng có thể không hợp gu 1 số người nếu họ cần thiết kế nhỏ gọn hơn. Tính ra, nếu bỏ lỗ xỏ đi thì SmartTag 2 chỉ ngang ngửa kích thước của AirTag.
Sản phẩm hiện có 2 màu đen và trắng, màu đen trông không đẹp bằng nhưng lại không lộ các vết bẩn ra, trong khi màu trắng chỉ cần đeo chung với chìa khóa vài ngày là bắt đầu thấy bị bẩn, xước. Bạn cũng có thể mua thêm vỏ bảo vệ cho nó nhưng kích thước lúc này sẽ hơi quá khổ, có thể gây vướng víu.
So với bản cũ, chiếc tag mới đã nhỏ gọn hơn đáng kể.
Muốn tháo pin cần dụng cụ lấy SIM cắm vào lỗ nhỏ bên trong vòng xỏ dây.
Tag dùng pin cúc áo nhưng cho thời lượng pin dài, lên đến 500 ngày ở chế độ thường và đến 700 ngày ở chế độ tiết kiệm pin.
Kết nối đơn giản nhưng chỉ dùng được với điện thoại Samsung
Cách kết nối SmartTag 2 khá đơn giản. Nếu đang dùng điện thoại Samsung tương thích thì khi đưa chiếc tag đến gần, điện thoại sẽ tự hiện thông báo yêu cầu kết nối. Nếu không chỉ cần quét mã QR trên hộp máy và làm theo hướng dẫn là được.
Tuy nhiên, kết nối cũng là điểm yếu đầu tiên của SmartTag 2: Nó chỉ dùng được với các điện thoại Samsung chạy Android 9 trở lên và có ít nhất 3GB RAM, cần phải cài thêm ứng dụng Smartthings và đăng nhập vào tài khoản Samsung. Nếu không có đủ tất cả các yếu tố này, SmartTag 2 hoàn toàn vô dụng.
Trong ứng dụng Smartthings có rất nhiều cài đặt tính năng khác nhau.
Nếu thực sự muốn mở rộng khả năng tìm kiếm, Samsung nên làm việc với Google để tích hợp vào mạng lưới Find My Device. Lúc này, smart tag có thể kết nối và gửi dữ liệu qua mọi điện thoại Android tương thích, tăng khả năng theo dõi, tìm đồ lên rất nhiều lần so với hiện tại.
Mạng lưới Smartthings Find có đủ tốt?
Vì sử dụng mạng lưới Smartthings Find nên SmartTag 2 cũng chỉ bắt kết nối và gửi thông tin vị trí được qua các điện thoại Samsung khác nếu các điện thoại này đã đăng nhập vào tài khoản Samsung. So với mạng lưới Find My của Apple, chắc chắn Samsung còn thua kém nhiều, và khả năng tìm kiếm đồ cũng vì thế giảm đi đáng kể.
Điểm cộng lớn nhất của SmartTag 2 là hỗ trợ lưu lịch sử di chuyển hàng ngày. Mỗi chấm trắng là 1 lần chiếc tag nhận được thông tin vị trí GPS qua các điện thoại Samsung khác trong mạng lưới Smartthings Find.
Bù lại, Samsung có thêm tính năng lưu lịch sử vị trí, di chuyển của SmartTag 2. Bạn có thể nhìn lại xem ở khung giờ nào, chiếc SmartTag 2 đang ở đâu trên bản đồ 1 cách trực quan. Tính năng này có thể giúp tìm lại đồ dễ hơn hoặc theo dõi, tìm thú cưng đi lạc.
Nhắc đến thú cưng, trong khi Apple khuyến cáo người dùng không nên dùng AirTags với chó mèo thì Samsung lại trang bị hẳn tính năng riêng dành cho những người bạn 4 chân này. Trong ứng dụng Smartthings, bạn có thể gán chiếc SmartTag 2 lên thú cưng với tên, giống, cân nặng, tình trạng bệnh… Nếu đeo cho các chú chó cỡ lớn trông khá ổn nhưng với chó nhỏ hay mèo thì chiếc tag này hơi to quá.
Bạn có thể lưu thông tin của thú cưng vào chiếc thẻ, bật chế độ dắt bộ đi chơi để lưu lịch sử di chuyển.
Chiếc tag này đeo cho chó lớn thì vừa vặn nhưng với chó nhỏ hay mèo thì hơi to.
Tìm kiếm định hướng bằng UWB
Lợi thế lớn nhất của Apple AirTag là tích hợp chip UWB, cho phép tìm kiếm tag bằng mũi tên chỉ hướng trực quan, chính xác. Giờ thì Samsung cũng đã bắt kịp, tạo ra tính năng tương tự và còn trực quan hơn vì cho tìm kiếm bằng camera điện thoại.
Nhờ chip UWB tích hợp sẵn nên bạn có thể tìm kiếm định hướng tương tự Apple AirTag.
Độ chính xác về khoảng cách khá cao nhưng đôi khi mũi tên chỉ vẫn hơi lệch.
Tuy nhiên, có vẻ Samsung vẫn cần tối ưu lại phần mềm vì độ chính xác của mũi tên chỉ hướng chưa cao lắm, thường vẫn chỉ lệch 1 chút. Nếu AirTag chỉ hướng chuẩn đến 90% thì SmartTag 2 của Samsung chỉ khoảng 60 - 70%, vẫn đủ để tìm được đồ khi đến gần nhưng lại làm trải nghiệm không mượt mà, thú vị như quảng cáo.
Tính năng tìm kiếm bằng camera AR khá hay nhưng cũng chưa chuẩn lắm, đôi khi còn lệch hoàn toàn. Hiệu ứng “chỉ điểm” vị trí tag bị lag khá nhiều dù chúng tôi thử trên chiếc Galaxy S22 Ultra cao cấp chứ không phải điện thoại giá rẻ. Phần này Samsung chỉ cần cập nhật phần mềm, tối ưu lại tính năng là có thể xử lý được.
Ngoài mũi tên chỉ hướng, Samsung còn cho dùng camera với hiệu ứng AR.
Khi bắt được tín hiệu của tag và ở rất gần, hiệu ứng chấm xanh lá hiện ra bao quanh chiếc tag. Nếu chiếc tag đang nằm trong túi, balo hay bị che lấp cũng có thể đoán được vị trí gần chính xác, tìm dễ hơn đáng kể so với chỉ có định hướng bằng mũi tên.
Tuy nhiên không rõ vì bị lag hiệu ứng AR hay sao mà máy thỉnh thoảng hiển thị vị trí tag sai lệch hoàn toàn.
Nút bấm có thể gán tính năng
SmartTag 2 có 1 nút bấm trên thân nhưng làm được rất nhiều thứ. Nếu bấm 1 lần, nó chỉ phát ra âm thanh báo hiệu là đang hoạt động nhưng bấm 2 lần là kích hoạt chế độ tìm điện thoại (nếu đã bật lên trong ứng dụng Smartthings). Ngoài ra bạn có thể gán thêm tính năng nhà thông minh khi bấm 1 lần hoặc bấm giữ. Ví dụ, khi về đến nhà, bạn có thể bấm 1 lần để mở đèn, bấm giữ để bật điều hòa, mở nhạc… Nói chung là làm được rất nhiều thứ nếu bạn đang sở hữu hệ sinh thái smart home của Samsung. Ở khoản này, có lẽ không loại tag nào khác đấu lại được với SmartTag 2, kể cả Apple.
Bấm đúp trên thân tag là điện thoại đổ chuông để tìm.
Những tính năng khác thì sao?
SmartTag 2 đạt chuẩn chống nước và bụi IP67 nên có thể nhúng cả xuống nước (tối đa 1 mét trong vòng 30 phút) mà vẫn hoạt động bình thường. Loa của nó có âm lượng không lớn lắn, thấp hơn đáng kể so với cả bản cũ lẫn các đối thủ như AirTag, ngoài ra còn hướng xuống mặt dưới nên có thể bị bít tiếng trong vài trường hợp.
Loa của SmartTag 2 âm lượng hơi nhỏ, phải ở chỗ thật yên tĩnh mới nghe rõ.
Bạn có thể thêm thông tin cá nhân như số điện thoại, email và dòng ghi chú vào chiếc tag qua tính năng Lost Mode, nếu người khác dùng điện thoại chạm vào tag qua NFC thì sẽ dễ dàng liên lạc lại để trả đồ. Tuy nhiên, nếu không cần thiết, không muốn lộ thông tin cá nhân thì nên tắt đi.
Bất kì điện thoại nào khác đều đọc được thông tin trên tag nếu tích hợp NFC.
Thời lượng pin của SmartTag 2 vào khoảng 500 ngày ở chế độ thường, hoặc đến 700 ngày ở chế độ tiết kiệm pin, dài hơn đáng kể so với bản cũ. Cách thay pin đơn giản và loại pin thay cũng rất dễ mua với giá rẻ nên không có gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên, khi thay pin bạn nên cẩn thận không làm rách, hỏng roong chống nước.
Nếu bạn cũng dùng điện thoại Samsung và cài ứng dụng Smartthings thì nên bật chế độ Cảnh báo thẻ không xác định. Tính năng này sẽ phát hiện nếu có chiếc SmartTag 2 nào đang gắn trên người, đi cùng với đồ đạc của bạn, tránh tình trạng cầm nhầm hoặc bị theo dõi lén.
Chiếc tag theo dõi rất xịn nhưng chỉ dành cho người dùng Samsung
Tính ra, SmartTag 2 có thể nói là loại tag theo dõi nhiều tính năng nhất trên thị trường. Việc Samsung giới hạn chỉ cho dùng với điện thoại Galaxy cũng là điều dễ hiểu nhưng thực tế, chính điều này cũng giới hạn luôn cả trải nghiệm người dùng. Giá như Samsung hỗ trợ cả mạng lưới Google Find My Device thì sẽ tốt hơn rất nhiều, doanh số sản phẩm cũng từ đó tăng lên vì bất kì điện thoại Android nào khác cũng dùng được.
Nếu dùng điện thoại Samsung tương thích thì SmartTag 2 vẫn là lựa chọn rất tốt, hơn khá nhiều các loại tag từ bên thứ 3.
Điểm trừ nhỏ nữa là khả năng tìm kiếm định hướng chưa được chuẩn như quảng cáo. Mũi tên chỉ lệch hướng, camera AR bị lag, đánh dấu vị trí sai nên trải nghiệm khá chán, cần được cập nhật sửa lỗi, cải thiện hiệu suất thì mới hoạt động chuẩn chỉ như quảng cáo.
Mua Samsung Galaxy SmartTag 2:
1 chiếc (415.000đ)
Pack 4 chiếc (1.799.000đ)
Hiện tại, các loại smart tag khác cho Android vẫn chưa thể có bộ tính năng đa dạng như sản phẩm của Samsung nhưng bạn có thể chọn 1 số loại khác dùng rất ổn trong tầm giá. Ví dụ như mẫu Divitag của Velasboost, dùng được cho cả điện thoại Android và iOS. Nếu đang dùng iPhone, lựa chọn tốt nhất vẫn là chiếc AirTag chính chủ dù tính năng chưa nhiều bằng đối thủ Samsung.
Tham khảo các loại Smart tags khác:
Apple AirTag (Chỉ iOS)
Velasboost Divitag (Android & iOS)
Xiaomi Mili Tag (Chỉ iOS)