Giá quặng sắt lấy lại sắc xanh trong ba phiên giao dịch gần đây, sau chuỗi giảm hai tuần liên tiếp. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 12/07, giá quặng sắt tăng 3% lên 108,93 USD/tấn. Mặc dù vậy, giá sắt vẫn đang thấp hơn gần 16% so với mức đỉnh gần nhất được lập được kể từ tháng 3.
Giá quặng sắt chịu nhiều sức ép khi mà nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, kéo theo nhu cầu đối với sắt thép cũng suy yếu. Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất và đặc biệt là chi phí vận chuyển sắt thép cũng đã giảm khá nhiều so với giai đoạn trước đây. Chỉ số “Thuê tàu hàng khô Baltic” – BDI Index, một thước đo phản ánh chi phí thuê tàu hàng ngày đối với các mặt hàng như quặng sắt, than, xi măng,… đã giảm hơn 50% về 1032 điểm.
Giá sắt thép giảm tạo thuận lợi cho Việt Nam
Tại Việt Nam, mặc dù đối mặt nhiều thách thức nhưng nền kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng riêng. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp.
Chi phí tín dụng giảm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước, góp phần cải thiện lợi nhuận trước thuế. Chính phủ cũng liên tục điều hành một cách quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc NHNN và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất của NHNN và các ngân hàng thương mại có giới hạn, nên bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ là một trụ cột tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm nay, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công.
Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, tương đương 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV, sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng.
Giá sắt thép giảm cũng sẽ góp phần làm hạ nhiệt áp lực lạm phát đối với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Theo Tổng cục Thống kê, xét trong tháng 6, chỉ số nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng chỉ tăng 0,07% so với tháng 5. Những tác động từ việc giá điện tăng đã được bù đắp lại bởi sự sụt giảm của giá quặng sắt.
Ngành sắt thép trước bài toán “xanh hoá”
Bên cạnh các mục tiêu tài chính, thực hiện phát triển một cách bền vững, bảo vệ môi trường cũng là một vấn đề thiết yếu đối với nền kinh tế nước ta nói chung và ngành thép nói riêng, nhất là khi Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong thập kỷ qua, tổng lượng khí thải CO2 từ ngành sắt thép đã tăng lên, phần lớn là do nhu cầu thép tăng lên. Cường độ CO2 trực tiếp từ quá trình sản xuất thép thô đã giảm nhẹ trong vài năm qua, nhưng các nỗ lực cần phải được đẩy nhanh để có thể đáp ứng lộ trình trong kịch bản không phát thải ròng của ngành vào năm 2050.
Nhiều quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã chú trọng vào việc cải tiến các công nghệ, tăng cường tái chế thép phế liệu để giảm thiểu tác động lên môi trường.
Cũng theo IEA, ngành thép có thể đạt được mức giảm phát thải CO2 ngắn hạn chủ yếu thông qua cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường thu gom phế liệu để cho phép sản xuất dựa trên phế liệu nhiều hơn. Tuy nhiên, tiềm năng kỹ thuật để cải thiện hiệu quả năng lượng còn hạn chế và nguồn cung cấp sắt thép phế liệu hữu hạn. Vì thế, việc giảm cường độ phát sẽ yêu cầu áp dụng các công nghệ mới, như sản xuất dựa trên điện, khí hydrogen và quá trình thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Quá trình xanh hóa ngành thép là một công cuộc nhiều thử thách nhưng vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt được sự phát triển bền vững, ông Phạm Quang Anh đánh giá.