Anh Lê Văn Sơn (41 tuổi, trú tại chung cư Thủ Thiêm Star, TPHCM) cho biết, mới đây Ban Quản trị chung cư đã phải đi đến quyết định “bất đắc dĩ” là đổi Ban Quản lý mới.
“Ban Quản lý cũ là Công ty CP DV Bất động sản Nhà Tôi, đã gắn bó với cư dân ở đây nhiều năm qua, tuy nhiên gần đây lại không thể xử lý được một số vấn đề mà cư dân mong muốn, như tình trạng thang máy cả 3 block A,B,C luôn trong tình trạng sự cố, đồng thời tại các hội nghị nhà chung cư giữa Ban Quản lý và đại diện Ban Quản trị, cư dân cũng chưa thống nhất được một số nội dung hoạt động” - anh Sơn nói.
Theo báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TPHCM của Sở Xây dựng, hiện toàn thành phố đang có gần 230 nhà chung cư chưa bàn giao kinh phí bảo trì, trong đó còn khoảng 43 chung cư đang xảy ra tranh chấp kinh phí bảo trì giữa chủ đầu tư và cư dân. Lý do xảy ra tranh chấp phức tạp do nhiều chung cư chưa thành lập được Ban Quản trị (đa phần là chung cư cũ thấp tầng, số lượng căn hộ ít). Ngoài ra, một số chủ đầu tư cũng chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công. Không ít chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban quản trị, khiến cư dân khiếu nại, phản ánh đến các cấp chính quyền.
Tăng đối thoại, tạo đồng thuận là giải pháp được nhiều đại diện sở, ngành tham mưu để UBND TPHCM chỉ đạo để xử lý rốt ráo, dứt điểm, gỡ vướng cho công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn.
Tại buổi đối thoại với chủ đề “Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TPHCM” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp Sở Xây dựng TPHCM vừa tổ chức, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay trong số nhiều vướng mắc về quản lý, vận hành nhà chung cư thì mâu thuẫn giữa vấn đề sở hữu chung, sở hữu riêng là khó giải quyết nhất. Bởi vì, các mâu thuẫn đã tồn tại qua nhiều thời kỳ Ban quản lý, Ban Quản trị, kèm theo hồ sơ cũng không đầy đủ, rõ ràng. Ông Khiết dẫn chứng trường hợp tranh chấp về hầm để xe hiện nay khó phân định được phần nào là chủ đầu tư giữ lại kinh doanh hoặc phần nào phải bàn giao cho cư dân. Có chủ đầu tư khi hồ sơ dự án chỉ thực hiện theo quy chuẩn xây dựng chỗ đậu xe nhưng hồ sơ này cũng không nêu rõ cụ thể về vấn đề trên, dẫn đến khiếu nại kéo dài sau khi bàn giao dự án.
Nhiều đại diện chủ đầu tư cũng cho rằng, việc cư dân thông qua Ban Quản trị để điều hành, quản lý nhà chung cư sẽ giải quyết trực tiếp các vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư và cũng sẽ không gây ra tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Ông Trần Như Khanh - Trưởng Ban quản trị chung cư The Park Residence (huyện Nhà Bè) dẫn chứng trường hợp tại chung cư The Park Residence đã đưa vào sử dụng gần 10 năm nay nhưng gần đây mới bầu được Ban quản trị. Ông Khanh cho rằng phía chủ đầu tư chung cư đã lẩn tránh không thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến cư dân rất bức xúc.
Theo bà Ngô Thuỵ Ái Diễm - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, quy định hiện hành chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu tiên sau khi hoàn tất bàn giao dự án. Hội nghị này sẽ bầu Ban quản trị và từ đó chủ đầu tư có cơ sở để bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Tuy nhiên, hiện nay nhiều vấn đề còn rắc rối liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, do đó cần được sự hướng dẫn từ phía Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan.
Vai trò của đối thoại trong quản lý, vận hành nhà chung cư được ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM đánh giá là rất quan trọng để tạo đồng thuận giữa các bên (chủ đầu tư, ban quản lý, ban quản trị và cư dân). Theo ông Lữ, vai trò quản lý nhà nước trong việc theo dõi, kiểm tra, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quản lý, vận hành nhà chung cư cũng cần được thể hiện rõ hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, là vấn đề cũng đang được UBND TPHCM thường xuyên quan tâm, chỉ đạo.