Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 gần đây một lần nữa báo động tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường. Kết luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) "nhí" mong đợi các cơ quan quản lý sớm ban hành quyết sách để giải quyết lo ngại này.
Thực tế, thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) tuy được gọi là thuốc lá mới nhưng đã không còn mới qua hơn 10 năm trong tình trạng thiếu vắng khung pháp lý.
Từ một sản phẩm ban đầu chỉ phổ biến giữa người hút thuốc, đến nay đã khiến giới trẻ tò mò, dùng thử và trở thành đối tượng cho kẻ gian trục lợi. Điều này dẫn đến tỉ lệ tội phạm gia tăng, từ buôn lậu hàng hóa đến mua bán chất cấm.
Tỉ lệ hút TLĐT ở giới trẻ Việt tăng tương đồng với các nước cấm
Mặc dù Việt Nam chưa cho phép kinh doanh TLNN, TLĐT, nhưng theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng TLĐT trong độ tuổi 13-15 năm 2019 là 2,6%, đến năm 2022 lên 3,5%, tăng trung bình mỗi năm 0,3%.
Tại Singapore, riêng quý 2/2023 đã có gần 700 học sinh bị đưa đến các cơ quan chăm sóc y tế vì các vấn đề liên quan đến TLĐT, dù quốc gia này đang áp dụng các biện pháp hà khắc, cực đoan đối với các hành vi mua bán, tiêu dùng sản phẩm này.
Đặc biệt Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về hậu quả do khung pháp lý chưa phù hợp như cấm hay buông lỏng quản lý thuốc lá mới. Đó là vấn đề gia tăng tỉ lệ sử dụng ở giới trẻ, pha trộn ma túy, chất cấm vào các thiết bị TLĐT trá hình.
Dù đã cấm TLĐT từ năm 2014, nhưng theo báo cáo năm 2023 của Quỹ hành động về thuốc lá và sức khỏe Thái Lan (ASHF), tỉ lệ hút TLĐT trong độ tuổi 13-15 tại nước này tăng từ 3,3% năm 2015 lên 17,6% vào năm 2023, tăng trung bình hơn 1,7% mỗi năm.
Đánh giá tình hình trong nước, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, cho rằng, chính khoảng trống pháp lý là nguyên nhân tiếp tay cho TLĐT, thuốc lá mới nhập lậu dễ dàng tiếp cận thanh thiếu niên.
Hiện Bộ Y tế đang đề xuất cấm thuốc lá mới với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ngành thuốc lá.
Tuy nhiên thực tế là đến nay, sản phẩm chỉ đang được lưu hành tại "chợ đen", gây ra những hệ lụy được các cơ quan chức năng xác định là từ nguồn hàng không rõ xuất xứ, chất lượng, thành phần, trong đó có nhiều loại dung dịch TLĐT được lén lút pha chế, sản xuất trong nước. Chính những sản phẩm trá hình này mới là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc ở giới trẻ.
Cấm bằng cách quản lý: Giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên
Thực tiễn trên toàn cầu, rất ít quốc gia thực hiện các biện pháp cấm triệt để, bao gồm từ cấm mua bán, quảng cáo đến cấm sử dụng, v.v. Giải pháp này sẽ không chỉ gây thất thu thuế, bù chi ngân sách phòng chống buôn lậu, mà còn gia tăng gánh nặng lên sức khỏe khi người dùng mua hàng chợ đen.
Thay vào đó, chính phủ các nước tăng cường các biện pháp quản lý ngày càng chặt chẽ để gia tăng hiệu quả kiểm soát. Đơn cử như Mỹ, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) được trao quyền ở cấp độ liên bang trong việc kiểm soát thuốc lá mới.
Việc quản lý bao gồm 12 chiến lược hướng đến 6 mục tiêu khác nhau nhằm mục đích chung là bảo vệ giới trẻ, ngăn ngừa tiếp cận TLĐT, thuốc lá mới nói chung.
Các biện pháp nổi bật là tăng độ tuổi hợp pháp (từ 18 lên 21), cấp và thu hồi giấy phép cho các tổ chức, cá nhân được mua bán thuốc lá mới, giáo dục và nâng cao nhận thức cho tất cả các bên có tương tác với giới trẻ, yêu cầu nhà sản xuất, nhà cung cấp giám định độ tuổi sử dụng, áp dụng các công cụ tăng thuế theo lộ trình và theo mức độ nguy cơ của từng loại sản phẩm thuốc lá...
Đặc biệt, ông Lê Đại Hải đánh giá cao việc dùng thuế làm công cụ giảm tiêu thụ thuốc lá: "Đưa thuốc lá mới vào danh mục sản phẩm đánh thuế sẽ làm tăng giá thành, từ đó vừa có thể kiểm soát tình trạng buôn lậu tràn lan hiện nay, vừa hạn chế người sử dụng, trong đó có giới trẻ".
Về mặt pháp lý, ông Hải khẳng định so với các nước, luật pháp Việt Nam về thuốc lá "đã có đầy đủ". Do đó, cơ quan chức năng cần sớm đưa thuốc lá mới vào quản lý, cụ thể là TLLN vì dễ dàng nhận biết sản phẩm này là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), nhằm dùng luật để ngăn chặn giới trẻ tiếp cận, sử dụng, cũng như có cơ sở để cấm các loại ma túy 'núp bóng' thuốc lá mới.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN, đánh giá "về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu", nhất là khi đã có sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ ngành và kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá truyền thống nhiều năm nay.
Cũng theo bà Liên, dù thuốc lá, rượu bia… đều tác động nhất định tới sức khỏe, nhưng không phải vì "không quản lý được thì cấm". Thực tế cho thấy, các chính sách pháp lý phù hợp mới là cách hữu hiệu để bảo vệ trẻ em khỏi những thứ tiêu cực.
Điển hình, trò chơi trực tuyến (game online) bùng nổ từ năm 2004 đã gây ra quan ngại cho xã hội khi nhiều bạn trẻ bị cuốn vào làn sóng "nghiện game". Các bộ ngành khi đó cũng từng đề xuất cấm sản phẩm này.
Tuy nhiên, nhờ hành lang pháp lý phù hợp, Chính phủ đã giảm thiểu thành công tác hại của game thông qua quá trình kiểm duyệt nội dung, quản lý độ tuổi, thời gian chơi và ngăn chặn việc thanh toán cho game lậu. Quyết định này còn góp phần tạo nên một thị trường game online phát triển lành mạnh, đầy tiềm năng, hội nhập và thu hút đầu tư, tạo nên những kỳ lân công nghệ cho Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả tích cực sau khi áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ, từ cấm các hương vị hấp dẫn của TLĐT đến tăng độ tuổi người dùng. Theo báo cáo tháng 9/2024 của CDC Hoa Kỳ, từ năm 2019 đến 2024, tỉ lệ học sinh trung học sử dụng TLĐT đã giảm từ 27,7% xuống còn 5,9%. Riêng TLLN chỉ có dưới 1% học sinh nước này sử dụng.
Theo các chuyên gia, giải pháp cấm hay quản lý thuốc lá mới cần được đánh giá toàn diện, đa chiều, tránh cực đoan duy ý chí. Theo đó, cần xác định cấm đúng đối tượng, đúng mục đích, và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp dựa trên bằng chứng khoa học, và kinh nghiệm thực tiễn từ số đông các quốc gia cho phép thuốc lá mới.
Thực tế cho thấy có nhiều hướng tiếp cận để vừa đạt mục tiêu bảo vệ giới trẻ, đồng thời hài hòa với lợi ích xã hội, kinh tế quốc gia. Game online là một điển hình cho thấy đây là chính sách phù hợp mà Việt Nam cần nhân rộng trong mọi lĩnh vực, kể cả với thuốc lá mới.