Rời khỏi Liên minh châu Âu có thể sớm trở thành "một giải pháp thay thế thực sự" cho Hungary, cựu thống đốc Ngân hàng Quốc gia Hungary nhận định trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 23/7.
Phát biểu trên kênh ATV của Hungary, ông Andras Simor nói rằng việc Hungary rời khỏi khối theo kiểu Brexit là một kịch bản khó xảy ra, nhưng "có thể xảy ra".
"Nếu năm ngoái là 10% thì đến giờ xác suất đã tăng lên 20%, lên 30%", ông giải thích.
Budapest và Brussels được cho là bất đồng về nhiều vấn đề như di cư và xung đột ở Ukraine.
Nói về tỷ lệ lạm phát gia tăng của nước này và việc EU giữ lại 30 tỷ USD tài trợ cho Budapest, Simor nói rằng ông "sợ rằng chính phủ Hungary sẽ đưa đất nước vào tình thế mà việc rút khỏi Liên minh châu Âu trở thành một giải pháp thay thế thực sự".
Mặc dù Hungary là nước hưởng lợi ròng từ viện trợ của EU, nhưng phần lớn khoản hỗ trợ này vẫn bị đóng băng. Các quan chức ở Brussels đề cập đến các chính sách chống nhập cư cứng rắn của Thủ tướng Viktor Orban và cáo buộc nước này có các chính sách tư pháp và tự do truyền thông không phù hợp.
Trong khi chính phủ Orban tiếp cận thành công một phần số tiền này bằng cách dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với viện trợ kinh tế của EU cho Ukraine vào năm ngoái, Thủ tướng Hungary vẫn tiếp tục chỉ trích sự ủng hộ của khối đối với Kiev. Ông Orban nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, đồng thời cáo buộc "các quan chức ủng hộ chiến tranh ở Brussels" gây xung đột với Nga "làm tổn hại đến lợi ích của châu Âu".
Những bất đồng của Hungary với EU vượt ra ngoài lĩnh vực địa chính trị.
Mặc dù thường xuyên lên tiếng chống lại Brussels, ông Orban đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng rời khỏi EU. Các cuộc thăm dò được thực hiện kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 đã liên tục nhận thấy sự ủng hộ cao của công chúng Hungary đối với việc ở lại trong khối, mặc dù một cuộc khảo sát gần đây của Eurobarometer đã ghi nhận sự sụt giảm 12 điểm ở những người có "hình ảnh tích cực" về EU, chỉ còn 39% hiện có thiện cảm với liên minh.