Imexpharm báo lãi cao kỷ lục, ai là người hưởng lợi nhất?

Admin

Trong quý II/2023, Imexpharm báo lãi cao kỷ lục ở mức 79,6 tỷ đồng, hiện SK Investment Vina III đang là cổ đông lớn nhất công ty khi nắm giữ 47,67% vốn điều lệ.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 439,7 tỷ đồng; tuy nhiên, so với quý I/2023, con số này đã giảm 10%.

Do đà tăng của giá vốn hàng bán chậm hơn đà tăng của doanh thu nên biên lãi gộp cải thiện từ 39,8% lên 43,9% ở kỳ này; lãi gộp theo đó tăng 37% lên 193,1 tỷ đồng.

Cấn trừ đi các chi phí, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 71% so với cùng kỳ lên 79,6 tỷ đồng, đây cũng là mức lãi quý kỷ lục của doanh nghiệp dược phẩm này.

Phía Imexpharm cho biết, kết quả tăng trưởng do trong quý công ty tiếp tục mở rộng thị trường, đồng thời cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao. Giải trình về kết quả tăng trưởng này giống hệt với quý I/2023 trước đó.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 37% lên 918,9 tỷ đồng, lãi gộp cũng tăng 49% lên 424 tỷ đồng. Nhờ thu nhượng bán, thanh lý tài sản tăng từ 10 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.292 tỷ đồng nên khoản thu nhập khác của công ty tăng gấp 3 lần lên 1.743 tỷ đồng.

Kết quả, Imexpharm báo lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt 199,1 tỷ đồng và 157,5 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. So với mục tiêu lãi trước thuế 350 tỷ đồng trong năm 2023, Imexpharm đã thực hiện được 57% kế hoạch sau 6 tháng đầu năm.

Sau khi công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với đà tăng trưởng ấn tượng, cổ phiếu IMP đã tăng trần trong phiên giao dịch ngày 18/7 và 19/7. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, mã IMP tăng trần lên 71.400 đồng/cp, sang phiên giao dịch ngày 20/7, mã này giao dịch quanh vùng giá 71.800 đồng/cp.

Hồ sơ doanh nghiệp - Imexpharm báo lãi cao kỷ lục, ai là người hưởng lợi nhất?

Diễn biến thị giá cổ phiếu IMP (Nguồn: FireAnt).

Về cơ cấu cổ đông, hiện SK Investment Vina III đang nắm giữ 47,67% tỉ lệ sở hữu tại Imexpharm, tương đương gần 31,8 triệu cổ phiếu IMP.

SK Investment Vina III đầu tư vào Imexpharm từ cuối tháng 5/2020 sau khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 24,9% vốn điều lệ công ty từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset. Trong năm 2022, quỹ này cũng liên tục rót vốn vào Imexpharm để tăng tỉ lệ sở hữu.

SK Investment Vina III Pte Ltd là quỹ thành viên của SK Group đến từ Hàn Quốc. SK Group là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ.

Cổ đông lớn thứ kế tiếp là Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (UCCoM: DVN) và CTCP Đầu tư Bình Minh Kim sở hữu lần lượt 22,03% và 8,75% vốn điều lệ Imexpharm, tương đương nắm giữ 14,7 triệu và 6,5 triệu cổ phiếu IMP.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Imexpharm chạm mốc 2.522,7 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp còn 45,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, giảm 48% so với đầu năm. Ngược lại, Imexpharm có 303 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn ở cuối quý II/2023, tăng 30% so với hồi đầu năm.

Giá trị hàng tồn kho tăng 50% lên 661,7 tỷ đồng; chủ yếu là nguyên vật liệu với hơn 370 tỷ đồng và gần 201,7 tỷ đồng thành phẩm.

Thời điểm cuối quý II/2023, Imexpharm có 580,2 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 52% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 180,3 tỷ đồng, đây là khoản vay Ngân hàng Shinhan Bank.

Do thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 số tiền gần 66,7 tỷ đồng và phát sinh gần 18 tỷ đồng nhận ký quý, ký cược ngắn hạn nên khoản phải trả ngắn hạn khác của Imexpharm tăng từ 5,2 tỷ đồng hồi đầu năm lên 88,5 tỷ đồng sau 6 tháng.

Vốn chủ sở hữu của Imexpharm ghi nhận ở mức hơn 1.942,5 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 20% lên gần 330 tỷ đồng.

Lên tiếng việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

Trước đó ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký ban hành Quyết định số 1749 về việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 448 của công ty, với phạm vi kinh doanh là xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc.

Trước sự việc này, đại diện Imexpharm khẳng định việc Bộ Y tế có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 448 là hoàn toàn chủ động theo đơn đề nghị của doanh nghiệp.

Công ty IMP cho biết có 2 nguyên nhân làm đơn đề nghị này. Thứ nhất, IMP có vốn đầu tư nước ngoài trên 50% nên công ty không còn quyền phân phối, trong đó không được mua nguyên liệu, thành phẩm của cơ sở khác để bán.

Thứ hai, từ trước đến nay, công ty cũng chưa có hoạt động nhập khẩu thuốc, nguyên liệu về bán.

Phía IMP cho biết, việc thu hồi Giấy chứng nhận là trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Do đó, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty được quy định theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hiện tại.

Theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hiện tại, IMP hoạt động trong lĩnh vực hoạt động sản xuất thuốc, là thuốc không vô trùng gồm viên nang cứng/mềm, thuốc uống dạng lỏng, viên nén, và các dạng bào chế rắn khác (thuốc bột, thuốc cốm).