Theo Reuters, tuyến đường sắt cao tốc này là dự án hàng đầu của chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đồng thời là một dự án nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng.
Dài 142 km nối thủ đô Jakarta với TP Bandung, tuyến đường sắt cao tốc này ban đầu dự kiến hoàn thành và đi vào khai thác thương mại từ năm 2019.
Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều vấn đề, bao gồm mua sắm vật tư, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19... nên dự án bị chậm tiến độ đã 4 năm, đội vốn trên 1,2 tỉ USD.
Tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km nối Jakarta với TP Bandung ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Ảnh: REUTERS
Liên doanh các công ty nhà nước Indonesia và Trung Quốc (KCIC) hồi đầu tuần đã hoãn thời điểm chạy thử nghiệm miễn phí đến ngày 1-9 để đảm bảo độ an toàn.
KCIC cũng đã dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào ngày 1-10 nhưng Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi ngày 11-8 khẳng định "chưa chốt thời gian".
"Tổng thống Joko Widodo yêu cầu không vội vã khai thác" – Bộ trưởng Budi nói với Reuters – "Đây là tàu cao tốc đầu tiên ở Indonesia và ASEAN với công nghệ tiên tiến. Vì vậy, chúng tôi phải cẩn thận. Tổng thống lưu ý rằng ưu tiên số 1 là an toàn".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 7 đã nói với Tổng thống Widodo khi ông Widodo công du tới Bắc Kinh rằng cả hai nước phải đảm bảo dự án tuân thủ các tiêu chuẩn cao.
Để hoàn thành phần còn lại của dự án, liên doanh đã vay bổ sung 560 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Do chi phí tăng cao, đã có những lo ngại rằng giá vé cũng bị đẩy cao để nhà đầu tư thu hồi vốn.
Bộ trưởng Budi cho biết giá vé tàu sẽ ở mức 250.000-300.000 rupiah. Đây là mức đã được trợ giá, thấp hơn mức ước tính 350.000 rupiah (không có sự can thiệp của chính phủ).
Dẫu vậy, mức giá này vẫn cao gấp đôi số tiền mà hành khách hiện phải trả cho một chuyến đi giữa Jakarta với Bandung bằng tàu thông thường.
"Chúng tôi hy vọng với sự trợ giá này, hành khách sẵn sàng bỏ tiền sử dụng dịch vụ tàu cao tốc" – ông Budi nói.