Sáng 9/9, do ảnh hưởng bão số 3 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu đã bị sập. Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ.
Thông tin ban đầu từ hiện trường, thời điểm cầu Phong Châu bị sập có một số phương tiện đang di chuyển, phía bên dưới, nước sông Hồng đang kéo về cuồn cuộn.
Lời kể của nạn nhân rơi xuống sông Hồng
Anh Bùi Quý Trọng (32 tuổi), người may mắn thoát nạn sau vụ sập cầu Phong Châu, vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi khi kể về khoảnh khắc bị rơi xuống sông Hồng.
"Tôi đang đi trên cầu khoảng 5m nữa đến đoạn cuối, bỗng thấy cầu rung nên ngoảnh lại thì thấy cầu sập một đoạn. Lúc ấy, không biết bám víu vào đâu tôi và người bạn đi cùng xe máy rơi tự do xuống".
Anh Trọng may mắn rơi xuống ngay phần bê tông cầu, nên được mọi người ở trên bờ xuống kéo lên. Tuy nhiên, xe máy anh Trọng vẫn còn nằm dưới sông.
Anh Nguyễn Minh Hải kể lại giây phút thoát chết trong vụ sập cầu Phong Châu
Vẫn chưa hết hoảng hồn sau khi sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra, anh Nguyễn Minh Hải (30 tuổi) ở tổ 10 Vạn Xuân, Tam Nông cho biết: "Sự cố xảy ra quá nhanh. Khi tôi cùng bạn đi xe máy qua cầu thì bỗng thấy tiếng động lớn. Ngay sau đó, cả hai bị rơi xuống và mắc lại phần chân mố nhô ra".
Anh Hải cho biết, anh rất hoảng sợ và nghĩ mình sẽ chết. May mắn, chỉ vài phút sau anh đã được người dân cứu lên.
Anh Phan Trường Sơn (địa chỉ thường trú tại Khu 10, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) kể lại giây phút thoát chết trong gang tấc.
Một nạn nhân may mắn khác là ông Phan Trường Sơn (địa chỉ thường trú tại Khu 10, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Ông Sơn chia sẻ: "Tôi đang lưu thông trên cầu Phong Châu thì nghe tiếng uỳnh ở phía sau, nhịp cầu rung lắc dữ dội. Ban đầu cứ nghĩ là là có xe tải trọng nặng nên cầu mới rung lắc như vậy, nhưng chưa kịp quay lại nhìn thì cả người và xe đã ở dưới nước rồi".
Khi cả người cả xe rơi xuống gần đáy sông, ông Sơn đã lấy hết sức đẩy người ngoi được lên mặt nước thì không thở được nữa. Xác định không sống được nhưng người đàn ông vẫn cố bơi, được một đoạn thì may mắn bám được vào cây chuối, một lúc sau được thuyền cứu sống.
Chứng kiến vụ cầu sập, ông Nguyễn Tuấn Hùng (49 tuổi) không khỏi bàng hoàng kể lại: "Lúc đó, tôi nói với vợ nhìn dòng nước cuồn cuộn. Vừa chạy qua cầu vài trăm mét, cầu sập. Lúc đó vợ chồng tôi toát mồ hôi lạnh. May mắn cho vợ chồng tôi thoát chết".
Ông Hùng cho biết, thời điểm cầu bị sập, các phương tiện vẫn di chuyển qua cầu bình thường.
Nhịp cầu nằm bất động dưới lòng sông đang chảy xiết…
Vội vàng chạy đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, chị T. bật khóc khi dự đoán nhiều khả năng người em rể của chị, là tài xế lái xe container đã bị rơi xuống sông khi sập cầu.
"Dòng nước lớn như thế này sao cứu được em đây, em ơi"- chị T. khóc nghẹn khi đứng nhìn về nhịp cầu nằm bất động dưới lòng sông đang chảy xiết.
Chị T. cho biết em rể chị là anh Hà Quốc C. (sinh năm 1986, ở Chu Hoá, Việt Trì, Phú Thọ), là lái xe container. Sáng nay, lúc 9h đến 9h30, anh C. vẫn gọi điện cho vợ (em ruột chị T. - PV).
"Sau đó có thông tin sập cầu, em gái tôi gọi cho C. thì không liên lạc được, tiên lượng chuyện chẳng lành nên chúng tôi vội đến hiện trường. Sau đó được biết có một xe container rơi xuống khi cầu sập"- chị T. chia sẻ trong nước mắt.
Chốc lát, người phụ nữ lại lấy tay gạt nước mắt, nhìn về phía dòng sông chảy xiết với những tia hi vọng người em của mình sẽ được tìm thấy. "Nếu em đi qua cầu chậm vài phút thôi thì đã không gặp việc đau lòng như vậy, em ơi"- chị T. nghẹn ngào.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo phải lắp đặt ngay biển cảnh báo chỉ đường tránh cho các phương tiện lưu thông. Thông báo rộng rãi để nhiều người dân được biết. Phải phân công ứng trực thường xuyên để đảm bảo an toàn về mọi mặt. Nếu có vấn đề, phải báo cáo Chính phủ để tránh chậm trễ.
Về phương án tìm kiếm cứu hộ, trước mắt, tạm thời tìm kiếm quanh bờ sông; Nếu điều kiện cho phép sẽ dùng các biện pháp và điều kiện kỹ thuật để ứng cứu. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm công tác chữa trị, cứu người; Động viên hỗ trợ kịp thời cho gia đình những người bị nạn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, phải đảm bảo lưu thông tuyến đường. Xem xét làm cầu phao hay phà để tiết kiệm thời gian nhất đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
Thông báo tìm người bị nạn, tung tích, thông tin nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu
Các lực lượng chức năng thuộc tỉnh Phú Thọ đang tích cực, chủ động, khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu nạn, cứu hộ nhằm cấp cứu, tìm kiếm người bị nạn và khắc phục hậu quả thiệt hại xảy ra.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24h/24h tại 03 địa chỉ sau:
1. Công ty quản lý đường bộ tỉnh phú Thọ, số 115, khu 22, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913.282.825 (đồng chí Trung tá Trần Phương).
2. Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ: khu 5, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989.246.129 (đồng chí Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng)
2. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, số 216 đường Trần Phú, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919.333.689 (đồng chí Thiếu tá Nguyễn Xuân Kha)
Hữu Thắng - Phương Anh